Việt Nam dự hội thảo về vai trò của RCEP đối với nền kinh tế số châu Á

Hội thảo đã thảo luận về vai trò quan trọng của RCEP trong việc thúc đẩy thương mại kỹ thuật số trong khu vực, vốn là một động lực quan trọng trong phục hồi kinh tế ở châu Á sau đại dịch COVID-19.
Việt Nam dự hội thảo về vai trò của RCEP đối với nền kinh tế số châu Á ảnh 1Sơ chế, đóng gói sản phẩm nho xanh tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận – Ninh Thuận để chuẩn bị đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 22/6, tổ chức tư vấn Asia House (Anh) và Trường kinh doanh CKGSB (Trung Quốc) phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến Vai trò của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong thúc đẩy kinh tế số ở châu Á.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã tham dự và có bài phát biểu tại hội thảo.

Thu hút sự tham gia của các quan chức Chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia kinh tế, hội thảo thảo luận về vai trò quan trọng của RCEP trong việc thúc đẩy thương mại kỹ thuật số trong khu vực, vốn là một động lực quan trọng trong phục hồi kinh tế ở châu Á sau đại dịch.

Hội thảo cũng phân tích các cơ hội và thách thức về thương mại, đầu tư, việc làm, chuyển đổi số,… mà hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này mang lại cho khu vực, đồng thời chỉ ra những tiềm năng của khu vực châu Á, đặc biệt là các quốc gia ASEAN, trong phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số.

Với 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương tham gia ký kết và có hiệu lực vào tháng 1/2022, RCEP bao gồm các quy định về thương mại số, bao gồm việc chuyển dữ liệu xuyên quốc gia, bảo vệ các giao dịch và người tiêu dùng trực tuyến, đồng thời mang lại cơ hội củng cố môi trường kinh doanh thương mại số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á.

Đánh giá vai trò của RCEP đối với nền kinh tế số châu Á nói chung và ASEAN nói riêng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, không chỉ là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới cho đến nay, chiếm tới 30% dân số và GDP thế giới, RCEP còn là FTA toàn diện nhất mà ASEAN đã ký kết.

[Hiệp định RCEP tạo hiệu ứng tích cực cho xuất khẩu thủy sản VN]

RCEP đồng thời là FTA đầu tiên giữa ASEAN và các đối tác ngoài khối, với một chương riêng về thương mại điện tử, cho thấy những nỗ lực lớn của ASEAN và các đối tác trong việc thúc đẩy thương mại điện tử trong khu vực.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết RCEP đưa ra cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với việc truyền thông tin xuyên quốc gia, đồng thời quy định các nghĩa vụ chi tiết trong những lĩnh vực như giao dịch không giấy tờ, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, thông tin cá nhân trực tuyến và chữ ký điện tử, cũng như các yếu tố giúp thúc đẩy thương mại điện tử trong khu vực.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ ra sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử - một trong những thành phần của nền kinh tế số- tại các quốc gia tham gia RCEP, đặc biệt sau khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tổng doanh thu từ thương mại điện tử của khối ASEAN năm 2021 tăng 62% so với năm trước, trong khi cả 5 nước ASEAN tham gia RCEP đều ghi nhận mức tăng trưởng 15%.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc thực hiện các cam kết về thương mại điện tử theo RCEP sẽ giúp thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ trong khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thực điện tử đối với các giao dịch trực tuyến xuyên quốc gia, đồng thời bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong thương mại điện tử và thương mại số.

Ông cũng cho rằng cần duy trì thông lệ hiện nay là không đánh thuế hải quan đối với các giao dịch điện tử giữa các nước, và hạn chế các rào cản đối với các giao dịch không sử dụng giấy tờ trong khi vẫn đảm bảo an ninh quốc gia và các mục tiêu chính đáng về chính sách công.

Ngoài ra, cần thiết lập các cơ chế để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thông qua đối thoại và tham vấn.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, việc thực hiện các cam kết về thương mại điện tử trong RCEP sẽ giúp thiết lập không gian thương mại điện tử lớn dựa trên các tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận với sự tham gia của các nền kinh tế lớn đã có nền thương mại điện tử phát triển.

Điều này sẽ tạo điều kiện phát triển kết nối số rộng khắp khu vực châu Á, hỗ trợ phát triển thương mại và kinh tế và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Ngược lại, thương mại điện tử phát triển sẽ tạo cơ sở hạ tầng mới tốt hơn, giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư, củng cố kết nối trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.