Trung Quốc và câu chuyện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Khu vực

Được quảng bá là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác, RCEP được kỳ vọng sẽ giúp củng cố sức ảnh hưởng và sự hội nhập kinh tế Trung Quốc với châu Á.
Trung Quốc và câu chuyện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Khu vực ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng Fulcrum.sg (Singapore) ngày 7/7 đã đăng bài bình luận của tác giả Hoàng Thị Hà, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS), cho rằng Trung Quốc đã dành rất nhiều thời gian để quảng bá về những lợi ích cụ thể của việc nước này tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

RCEP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đã mang lại cơ hội để các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Theo quan điểm của Bắc Kinh, RCEP cũng khuyến khích các chiến dịch thông tin của Trung Quốc để định hình những câu chuyện toàn cầu về đất nước này.

Những câu chuyện hay về RCEP

Được quảng bá là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới giữa 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước đối tác, RCEP được kỳ vọng sẽ giúp củng cố sức ảnh hưởng và sự hội nhập kinh tế của Trung Quốc với các nước châu Á.

Hiệp định này đã trở thành “tấm gương hoàn hảo” của thương hiệu chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do mà Trung Quốc hướng tới. Vì những lý do liên quan đến kinh tế như địa chính trị, Bắc Kinh đã tích cực thúc đẩy và tận dụng hiệp định thương mại này trong cuộc đối đầu với Washington.

RCEP là chủ đề thường xuyên được đưa tin tích cực trên các phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh của Trung Quốc. Điều này được nhân rộng trên khắp cả nước, với các cửa hàng lớn lần lượt báo cáo tăng trưởng thương mại cấp quốc gia và cấp tỉnh với các nước thành viên RCEP và số lượng giấy chứng nhận xuất xứ RCEP do cơ quan hải quan địa phương cấp (quy định về nguồn gốc xuất xứ là thành tựu nổi bật của RCEP).

Một trang web dành riêng cho RCEP đã được thành lập dưới sự quản lý của Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc thuộc Bộ Thương mại nước này.

Tài khoản Twitter của Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN cũng liên tục cập nhật các thông tin liên quan đến RCEP với nội dung tích cực. Nếu những năm 2000 là giai đoạn báo trước về “khoảnh khắc WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới)” đối với Trung Quốc, thì những năm 2020 sẽ là “khoảnh khắc RCEP” của nước này, vì hiệp định thương mại này là niềm tự hào trên các phương tiện truyền thông và phát biểu của Trung Quốc.

[Hiệp định RCEP: Đòn bẩy giúp giảm thâm hụt thương mại từ nội khối]

Tại Diễn đàn bàn tròn truyền thông và các tổ chức tư vấn chiến lược về RCEP do Trung Quốc chủ trì vào tháng Năm vừa qua, một đại diện từ Nhật báo Quang Minh đã phát biểu: “Bối cảnh dư luận hiện nay của thế giới đang có những thay đổi sâu sắc. Chúng ta nên để tiếng nói của các nước RCEP được lắng nghe một cách mạnh mẽ và rõ ràng, tạo ra những câu chuyện RCEP của riêng chúng ta."

Ông cũng tư vấn thêm rằng để kể tốt câu chuyện về RCEP, các phương tiện truyền thông và các tổ chức tư vấn chiến lược “không nên chỉ nhắm mục tiêu vào các chính sách, kết quả, dữ liệu, dự án… ở cấp độ vĩ mô mà còn phải tập trung vào những con người thực sự, với rất nhiều đối tượng được hưởng lợi từ hiệp định này.”

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc có rất nhiều giai thoại về việc RCEP có hiệu lực đã mang lại những lợi ích cụ thể như thế nào cho các doanh nghiệp Trung Quốc và khu vực trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, các công ty Trung Quốc đặc biệt hào hứng với cơ hội tăng xuất khẩu và giảm thuế nhập khẩu từ Nhật Bản, nước không có hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc trước RCEP.

Các cuộc phỏng vấn với nhiều bên liên quan ở Đông Nam Á, trong đó có các chủ doanh nghiệp nhỏ, tổ chức tư vấn chiến lược, chủ ngân hàng, liên đoàn doanh nghiệp và quan chức thương mại cấp cao, được đưa tin rộng rãi để đưa ra một lập luận thuyết phục về RCEP là “hợp tác đôi bên cùng có lợi."

Những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc “kể câu chuyện RCEP thật hay” có động lực địa chính trị mạnh mẽ nhằm mục đích tăng cường những câu chuyện tích cực về Trung Quốc với tư cách là một quốc gia đấu tranh cho chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do và toàn cầu hóa.

Một thực tế không dễ chịu

Bằng cách tận dụng RCEP vừa để củng cố mối liên kết kinh tế với các nước châu Á vừa định hình dư luận về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương, Bắc Kinh đang đánh mạnh vào “gót chân Achilles” của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ - đó là sự thiếu hụt “nghệ thuật quản lý” kinh tế và chiến lược thương mại mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực.

RCEP đã trở thành “vũ khí” để Bắc Kinh chỉ trích các chính sách kinh tế của Washington. Chúng bao gồm việc Mỹ vắng mặt trong các hiệp định thương mại tự do đa phương của châu Á, việc Washington theo đuổi khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và đa dạng hóa khỏi Trung Quốc trong các ngành và công nghệ quan trọng, và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) mới ra mắt gần đây.

Theo quan điểm của Trung Quốc, RCEP thể hiện “sự cởi mở”, “tính bao trùm,” “quan hệ đối tác, không phải liên minh” và “ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.”

Trong khi đó, IPEF được coi là một “vòng tròn nhỏ” kinh tế phá vỡ chuỗi công nghiệp toàn cầu, mang “tâm lý Chiến tranh Lạnh” và không phục vụ lợi ích của các quốc gia Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, việc làm này của Trung Quốc đã đơn giản hóa các thực tế kinh tế phức tạp và che đậy một số thực tế khó chịu đối với Bắc Kinh, đó là Mỹ vẫn là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới.

Quốc gia này xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng Chỉ số cởi mở kinh tế toàn cầu năm 2019 của Viện Legatum ở 4 tiêu chí, bao gồm khả năng tiếp cận và cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư, điều kiện kinh doanh và quản trị.

Trong khi đó, Trung Quốc tụt lại phía sau ở vị trí thứ 54. Theo Khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2022, nhiều người dân Đông Nam Á được hỏi đã đặt niềm tin vào Mỹ (30,4%) nhiều hơn so với Trung Quốc (24,6%) về vai trò dẫn đầu trong việc thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu.

Thực tế, 7 quốc gia Đông Nam Á tham gia IPEF cho thấy họ quan tâm đến các mối quan hệ kinh tế, đặc biệt là với Mỹ - quốc gia vẫn là nhà đầu tư hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của khu vực, theo Niên giám Thống kê ASEAN 2021. Đáng chú ý, tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều có thặng dư thương mại với Mỹ (trừ Singapore và Brunei), và đều ghi nhận thâm hụt thương mại với Trung Quốc (trừ Brunei).

Khi kinh tế thế giới đang trải qua tất cả các hình thức gián đoạn và bất ổn, từ đại dịch COVID-19 cho đến những hậu quả kinh tế do căng thẳng Nga-Ukraine gây ra, đa dạng hóa là chìa khóa để đảm bảo khả năng phục hồi.

Tuy nhiên, đã có những sai lầm trong lập luận của Trung Quốc khi đưa ra một câu chuyện không tưởng về sự vô địch của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. Đây là một lời nhắc nhở rằng không nên để tương lai kinh tế của khu vực phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.