Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, sau đợt 1 triển khai đề án luân phiên cán bộ y tế tại cơ sở, tại các bệnh viện quận huyện, tổng số lượt bệnh nhân được cán bộ luân phiên thực hiện khám và điều trị ngoại trú đạt trên 37.000 lượt, nội trú trên 400 lượt.
Các bác sỹ luân phiên cũng thực hiện 141 ca phẫu thuật, trong đó, 104 ca được cán bộ luân phiên trực tiếp phẫu thuật và 37 ca do cán bộ y tế tại đơn vị tiếp nhận thực hiện sau khi được chuyển giao kỹ thuật. Tổng số lượng bệnh nhân phải chuyển về tuyến trên 244 lượt.
Điều này cho thấy việc triển khai đề án của thành phố ban đầu đã có hiệu quả. Mặc dù vậy, đề án sẽ hiệu quả hơn nữa nếu cán bộ y tế đơn vị tiếp nhận trực tiếp phẫu thuật nhiều hơn, số ca phải chuyển về tuyến trên ít hơn.
Tăng tính tự chủ cho bệnh viện tiếp nhận
Theo đề án, cán bộ y tế đi luân phiên sẽ trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân tại bệnh viện mình đến luân phiên và chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cho các bác sỹ ở bệnh viện quận, huyện. Thế nhưng, đặc thù ở các bệnh viện quận, huyện là thiếu nhân lực trầm trọng. Hầu như các khoa: nội, nhi, ngoại, sản không có bác sỹ để tiếp nhận phần chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên. Bởi vậy, đề án luân phiên cán bộ y tế chỉ mới dừng lại ở mức độ các bác sỹ tuyến trên làm thay cho tuyến dưới.
Theo bác sỹ Trần Ninh Bảo Nhi (Trưởng khoa Sản Bệnh viện huyện Cần Giờ), việc các bệnh viện tuyến trên cử cán bộ xuống bệnh viện quận, huyện đã giúp các bệnh viện tuyến dưới về mặt nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, nếu triển khai theo hướng như vậy việc thực hiện đề án này sẽ là vô hạn. Bác sỹ tuyến trên cứ đến và đi còn bệnh viện tuyến dưới vẫn không có bác sỹ.
Chẳng hạn, ở khoa nhi do bệnh viện không có bác sỹ nhi nên mọi việc đều phụ thuộc bác sỹ nhi tuyến trên. Vì lý do nào đó, bác sỹ tuyến trên không xuống trong một tuần thì cả tuần đó người bệnh không được khám.
Trong khi đó, nếu Khoa Nhi của Bệnh viện Cần giờ có bác sỹ thì bác sỹ này sẽ có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ bác sỹ tuyến trên qua đó trình độ chuyên môn được nâng lên rất nhiều. Và dù bác sỹ tuyến trên không có mặt thì bác sỹ ở đây cũng có thể tự mình xử lý những ca khó được, không phải phụ thuộc vào bác sỹ tuyến trên. Do đó, việc cần nhất trong thời gian tới của các bệnh viện quận, huyện là giải bài toán về nhân sự.
Không chỉ vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị nơi đến luân phiên còn thiếu nên việc các bác sỹ tuyến trên triển khai các kỹ thuật chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến việc số lượng bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên vẫn còn nhiều.
Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Thanh Tuệ, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện huyện Cần Giờ cho biết từ khi thực hiện Đề án luân phiên cán bộ y tế, những phẫu thuật như mổ ruột thừa, bướu cổ hay mổ gân, dây chằng đã được triển khai tại các bệnh viện quận, huyện. Tuy nhiên, với những ca phẫu thuật lớn, dù bác sỹ tuyến trên đủ năng lực thực hiện tại chỗ nhưng vẫn phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên vì thiếu nhiều thiết bị như phương tiện chuẩn đoán, siêu âm tim, gây mê hồi sức… Điều này sẽ gây ra nhiều tốn kém cho bệnh nhận hơn nữa lại không tận dụng hết được năng lực của bác sỹ tuyến trên.
Đảm bảo nhân lực cho bệnh viện tuyến trên
Đề án luân phiên cán bộ y tế đem lại lợi ích rất lớn cho bệnh viện tuyến quận, huyện và người dân nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bệnh viện được phân công cử cán bộ luân phiên và đời sống của bác sỹ đi làm nhiệm vụ.
Để tăng thu nhập hầu hết các bác sỹ đều có phòng mạch riêng hoặc làm thêm ngoài giờ ở các bệnh viện tư. Do vậy, nếu đi công tác về các bệnh viện tuyến quận, huyện xa thành phố không những thu nhập của các bác sỹ bị giảm mà cuộc sống gia đình cũng bị xáo trộn.
Mặc dù sẵn sàng đi làm nhiệm vụ, xem việc được đi phục vụ bà con ở vùng khó khăn là niềm vui nhưng bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Thơ, Bệnh viện Phụ Sản Hùng Vương đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện huyện Cần Giờ cũng có những lo lắng: "Khi được phân công về Bệnh viện huyện Cần Giờ công tác, tôi phải tạm đóng cửa phòng mạch của mình. Hơn nữa, con tôi mới ba tuổi chưa thể đem đi cùng mẹ nên phải gửi ông bà ở gần nhà chăm sóc giúp."
Bên cạnh đó, do các đơn vị cử cán bộ y tế đi luân phiên luôn trong tình trạng quá tải nên gặp không ít khó khăn về nhân lực.
Bác sỹ Phan Văn Nghiệm, Phó Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: "Hiện tại bệnh viện có 8 bác sỹ đi luân phiên mà mỗi bác sỹ phải đi ít nhất một năm khiến số bác sỹ còn làm phải gánh vác công việc nhiều hơn. Chẳng hạn, thay vì mỗi bác sỹ một tuần trực một ngày nhưng do thiếu người nên một tuần phải trực hai ngày. Bên cạnh đó, do lực lượng mỏng nên người dân đến khám bệnh sẽ phải chờ đợi lâu hơn.
Cho nên, để tránh trường hợp bác sỹ được cử đi tới cơ sở quá lâu ảnh hưởng tới cuộc sống của chính bác sỹ và công tác chuyên môn của bệnh viện tuyến trên thì cần phải có một chính sách hỗ trợ và cần phải có kế hoạch sắp xếp thời gian cử cán bộ đi luân phiên hợp lý."
Hiện tại, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang thực hiện theo kiểu luân phiên mỗi bác sỹ sẽ đi một tuần hoặc một tháng thay phiên nhau cho đến khi nào làm nhiệm vụ đủ một năm. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tạo điều kiện và động viên tinh thần của bác sỹ khi đi làm nhiệm vụ./.