Hình tượng con lợn trong văn hóa của người Việt Nam

Trong văn hóa phương Đông, con lợn (hợi) đứng cuối cùng trong bộ linh vật 12 con giáp và tượng trưng cho cuộc sống ấm no, nhàn tản.

Lợn (còn gọi là heo) là loài vật gần gũi, thân thiết với con người, hình ảnh của nó đã đi vào ca dao, hội họa... Trong văn hóa phương Đông, con lợn (hợi) đứng cuối cùng trong bộ linh vật 12 con giáp và tượng trưng cho cuộc sống ấm no, nhàn tản.

Con lợn trong phong tục, tập quán

Ở Việt Nam, lợn là loài vật hết sức quen thuộc với đời sống thường nhật của con người, nhất là tại các vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ.

Theo phong tục tập quán Việt Nam, hình ảnh mâm xôi-lợn luộc (hoặc quay) xuất hiện trong hầu hết các sự kiện lớn nhỏ trong một đời người, từ đám cưới cho đến đám ma, đám giỗ...

Đặc biệt, trước đây, cứ mỗi dịp Tết đến, nhà nhà ở các vùng quê Việt lại rôm rả rủ nhau “đụng lợn." Một con lợn cỡ vài chục cân, được 4-8 nhà chung nhau mổ. Mỗi nhà một góc, hay nửa góc (mỗi góc là một phần tư con).

Lợn được mổ trước Tết độ hai, ba ngày, để kịp lấy thịt gói bánh chưng, làm giò chả và nấu đông. Lúc đó, không khí thật là rộn ràng. Mọi người nói cười rôm rả. Cánh đàn ông người đun nước, người cạo lông, người làm lòng, người chia thịt. Phụ nữ thì chuẩn bị muối mắm, rổ rá, lá chuối đựng phần. Đám trẻ con lăng xăng chạy quanh. Sự quây quần, sum tụ đông vui khi đụng lợn vì thế như “khúc nhạc” dạo đầu cho Tết, không khí tưng bừng và háo hức!

Ngày nay, tục “đụng lợn” đã không còn phổ biến, nhưng phong tục này vẫn mãi là một nét đẹp trong văn hóa Tết Việt.

Trong văn hóa ẩm thực

Lợn là loại gia súc được nuôi nhiều nhất ở Việt Nam và mang lại cho ngành chăn nuôi những giá trị kinh tế nhất định.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, thịt lợn còn đóng vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Thịt lợn có thể được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau, trong đó có nhiều món tạo nên thương hiệu ẩm thực Việt Nam như món chả nướng trong bún chả; có món tạo nên nét riêng của ẩm thực vùng miền như: bún bò giò heo (đặc trưng văn hóa xứ Huế), bún nem (miền Bắc), chả giò (đặc trưng miền Nam), kho quẹt (miền Tây), thắng cố (dân tộc H’Mông), tái chanh (dân tộc Tày, Thái)... Ngoài ra còn có những món phổ biến trên mọi miền tổ quốc như: giò chả, thịt kho Tàu, thịt lợn luộc chấm mắm...

[12 phong tục không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam]

Đặc biệt, mâm cỗ Tết, không thể thiếu được món thịt lợn nấu đông, canh sườn lợn ninh măng khô hay món canh bóng bì (chế biến từ da lợn)…

Ngoài ra, thịt lợn còn dùng để làm nhân cho cho rất nhiều loại bánh như bánh giò, bánh cuốn, bánh nếp, bánh tẻ, bánh ba… đặc biệt là bánh chưng, bánh tét - loại bánh mang đậm hương vị Tết cổ truyền của Việt Nam.

Trong văn học nghệ thuật dân gian

Trong hội họa, con lợn xuất hiện chủ yếu trong tranh Đông Hồ. ''Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp'' (thơ Hoàng Cầm).

Tranh lợn trong tranh Đông Hồ cũng có nhiều loại. Đó là tranh lợn đàn, biểu tượng tín ngưỡng dân gian “sinh sôi nảy nở”; tranh lợn độc (toàn bộ bức tranh chỉ có hình con lợn) - “nhất khoảnh anh hùng;” và loại thứ ba là tranh lợn ăn lá dáy biểu hiện cho sự hòa hợp trong tự nhiên.

Hình ảnh con lợn cũng xuất hiện rất nhiều trong lĩnh vực văn học, nhất là trong văn học dân gian. Trong bài ca dao ''Con gà tục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/Con chó khóc đứng khóc ngồi/Mẹ ơi, đi chợ mua tôi đồng riềng'' cách thức chế biến, nấu nướng các món ăn từ thịt các con vật được thể hiện sinh động, rất dí dỏm.

Trước đây, con lợn luôn là một trong những sính lễ chính nhà gái thách cưới nhà trai. ''Mẹ ngồi thách cưới/ Tiền chẵn năm quan/Cau chẵn năm ngàn/Lợn béo năm con/Áo quần năm đôi.'' Hay ''Bao giờ gạo gánh đến nhà/ Lợn kêu ý oét mới là vợ anh''...

Và có lẽ chẳng ai trong chúng ta còn xa lạ với cách nhét tiền vào con lợn đất để tiết kiệm. Đó là con lợn đất nung với màu sắc sặc sỡ, tạo hình ngộ nghĩnh, với các cỡ to nhỏ khác nhau, rỗng lòng, có một khe hở nhỏ trên lưng.

Lợn đất giúp con trẻ, thậm chí cả người lớn giữ tiền tiết kiệm. Và có hẳn một bài hát ''Con heo đất'' với lời bài hát rất quen thuộc với nhiều thế hệ con trẻ: ''Mẹ mua cho em heo đất…/ Làm sao cho heo mau lớn/ Heo không đòi ăn cơm/ Heo không đòi ăn cám…/ Em lì xì heo đất hai trăm mỗi ngày…'' Theo đó, những chú heo đất đã giúp rất nhiều người “cất giữ” ký ức về một thời tuổi thơ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục