Hồ Ba Bể - viên ngọc bích của vùng núi rừng Ðông Bắc

Là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, Hồ Ba Bể là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng với phong cảnh kỳ thú và sự đa dạng sinh học.
Hồ Ba Bể - viên ngọc bích của vùng núi rừng Ðông Bắc ảnh 1Hồ Ba Bể (Nguồn: Du lịch Việt Nam)

Trong năm 2021, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ và tiếp tục hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ đề cử di sản thế giới với Khu di sản thiên nhiên hồ Ba Bể-Na Hang.

Năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo về việc gửi Báo cáo tóm tắt Hồ sơ "Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể-Na Hang” tới UNESCO đề nghị đưa vào Danh mục dự kiến xây dựng Hồ sơ di sản thế giới. Thực hiện chỉ đạo, Ủy ban Nhân dân hai tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn và các cơ quan, đơn vị liên quan đã triển khai lập hồ sơ để kết nối hai địa điểm này thành một cung đường với sông-núi-rừng-thiên nhiên hữu tình.

[Đề cử hồ Ba Bể, Yên Tử, địa đạo Củ Chi là di sản thế giới]

 Nếu như Na Hang - cái tên còn khá xa lạ với nhiều người - là một địa danh mang vẻ đẹp tiềm ẩn nơi núi rừng Tuyên Quang, nơi được ví như “Hạ Long trên cạn” thì Hồ Ba Bể là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng với phong cảnh kỳ thú và sự đa dạng sinh học.

Là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, hồ Ba Bể nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, phía Đông Bắc giáp xã Cao Trĩ và Khang Ninh, phía Đông Nam giáp xã Nam Cường và xã Đà Vị, huyện Na Hang, Tuyên Quang.

Gọi là Ba Bể do hồ được tạo bởi ba nhánh sông lớn hợp lưu mà thành. Đó là ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng (tiếng Tày, pé là hồ).

Hồ Ba Bể dài hơn 8km, rộng 3km, sâu khoảng 20-30m và có nhiều hang động, suối ngầm. Toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc, làm say lòng những du khách tới nơi đây.

Địa chất và địa mạo của khu vực hồ hết sức phức tạp dẫn đến sự tạo thành các phong cảnh đẹp ngoạn mục với cấu trúc địa chất và đất đai có một không hai, điều đó kéo theo sự hình thành của nhiều hệ sinh thái khác nhau.

Hồ Ba Bể - viên ngọc bích của vùng núi rừng Ðông Bắc ảnh 2Mặt hồ như một tấm gương khổng lồ màu xanh biếc. (Nguồn: Dep.com.vn)

Qua khảo sát cho thấy sự pha trộn phức tạp của các hệ sinh thái karst điển hình và hệ sinh thái phi karst trong sự hài hòa với các hệ sinh thái sông hồ. Sự đa dạng về địa chất và sinh học như vậy khó có thể bắt gặp ở các nơi khác trên thế giới.

Tại khu vực hồ Ba Bể có hệ động, thực vật tương đối đa dạng, thực vật có khoảng 162 họ, 673 chi, 1.268 loài trong đó có 37 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và 21 loài có tên trong sách đỏ các loài thực vật nguy cấp của IUCN 2004. Về động vật có 450 loài động vật có xương sống, thuộc 99 họ, 32 bộ, bao gồm 81 loài thú, 234 loài chim, 30 loài bò sát… Ngoài ra còn có khoảng 367 loài bướm và nhiều động vật khác.

Trong hồ có tới 50 loại cá, trong đó có rất nhiều loại cá quý hiếm như cá cóc Ba Bể, cá chiên ở thác Ðầu Ðẳng, cá chép kình, cá Dầm Xanh.

Du khách đặc biệt thích Ba Bể bởi không khí trong lành, người dân thân thiện, cảnh sắc hùng vĩ và nhiều bản sắc văn hóa còn lưu giữ được. Người Tày sống ở Ba Bể đã lâu đời, hình thành nên các bản xung quanh hồ, cuộc sống của họ như cỏ cây: canh tác trên các ruộng nương nhỏ, đánh bắt cá lòng hồ và giờ thì làm thêm cả du lịch.

Hồ Ba Bể - viên ngọc bích của vùng núi rừng Ðông Bắc ảnh 3Thuyền độc mộc là một “đặc sản” của Ba Bể. (Nguồn: dep.com.vn)

Đắm mình với vẻ đẹp thiên nhiên hồ Ba Bể, du khách được tìm hiểu sinh hoạt cùng với 5 anh em dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao. Phong tục tập quán ở đây vẫn được duy trì nhất là trang phục, nhà sàn. Sinh hoạt văn hóa dân gian qua các làn điệu then, hát lượn và những câu chuyện truyền thuyết của người Tày, múa khèn của người Mông còn mang đậm bản sắc.

Buổi sáng được đánh giá là khoảng thời gian tuyệt nhất ở Ba Bể bên cạnh buổi hoàng hôn mang những sắc vàng cuối ngày. Buổi sáng, Ba Bể nhẹ nhàng thinh không như chốn bồng lai; từ những ngôi nhà sàn cho khách ở, lúa đang ngả vàng, màn sương mỏng tang vẫn bao phủ cả mặt hồ và trên đỉnh núi xa khiến cho khung cảnh trở nên kỳ ảo hơn bao giờ hết. Những người đàn ông, phụ nữ Tày chèo thuyền đi chợ sớm hay đánh cá trên chiếc độc mộc - một loại thuyền độc đáo của mảnh đất này. Người và thuyền cùng nhàn tản thả lưới, buông câu, chậm rãi khỏa nước nhẹ nhàng. Những chiếc thuyền độc mộc là một nét văn hóa độc đáo góp phần làm tôn thêm giá trị văn hóa của cư dân vùng hồ.

Du khách cũng có thể làm một chuyến dã ngoại vòng quanh hồ để cảm nhận hết sự hùng vĩ của những vách đá vôi thẳng đứng, sự mát lành của dòng nước trong xanh hay sự kỳ diệu của tạo hóa khi cả chiếc thuyền ngang qua trong lòng động. Từ Pé Lèng xuôi khoảng 800m, dòng sông Năng xuyên qua khối núi đá vôi Lũng Nham tạo ra động Puông dài 300m, cao hơn 30m với nhiều nhũ đá muôn hình vạn trạng, huyền ảo và lung linh.

Hồ Ba Bể - viên ngọc bích của vùng núi rừng Ðông Bắc ảnh 4Động Puông huyền bí. (Nguồn: dep.com.vn)

Xung quanh khu vực hồ có những địa danh quen thuộc như đảo Bà Góa, nằm ở vị trí Pé Lèng là khối đá vôi, các loài cây sinh sống như cây si, vối và một số loài cây khác. Địa điểm này gắn với truyền thuyết hình thành hồ Ba Bể.

Đảo An Mã nằm ở vị trí Pé Lù, độ cao từ 27-30m so với mặt nước hồ. Trên đảo có đất màu có thể trồng cây, đảo có hình dáng con ngựa lội nước. Tại đây, đền An Mã được phục dựng năm 2005, chiều dài 9m, rộng 6m, vật liệu làm bằng gỗ, mái vồ, ngói vẩy.

Ao Tiên nằm phía Bắc của hồ có diện tích 1,5ha, nước trong xanh yên tĩnh, xung quanh là đá vôi.

Thác Đầu Đẳng nằm ở phía Tây Bắc của hồ có sông Năng chảy qua 3 bậc chính, tạo thành ghềnh 2 bên dốc đứng với các loài cây cổ thụ.

Hồ Ba Bể - viên ngọc bích của vùng núi rừng Ðông Bắc ảnh 5Thác Đầu Đẳng trên dòng sông Năng đổ sang Na Hang, Tuyên Quang. (Nguồn: dep.com.vn)

Ngoài ra theo thống kê có 20 hang động lớn, nhỏ nằm ở khu vực hồ. Những hang hóa thạch thường nằm ở độ cao tương đối khoảng 10m so với mặt nước hồ. Hang vị trí cao hơn hang hóa thạch thường có độ cao trên 100m.

Hồ Ba Bể và vùng phụ cận còn chứa đựng nhiều chứng tiến hóa lâu dài và phức tạp của lịch sử phát triển địa chất, địa mạo.

Mỗi khi cần những phút giây cảm nhận sự bình yên, cần sự tĩnh lặng hay đơn giản là cần một tách trà ấm trong buổi sớm mai tinh khiết thì hãy tới Hồ Ba Bể.

Những ngôi nhà sàn ngay sát mặt hồ, bao món ăn đặc sản, sự tiếp đón đầy ấm áp, những phút giây chèo thuyền ngắm cảnh hay đôi khi là đạp xe vòng quanh bản làng đủ để níu chân du khách tới vùng đất này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.