Năm 2011, xung đột bùng nổ tại Syria đã gây ra những thiệt hại nặng nề, khiến hàng triệu người phải rời bỏ đất nước đi tị nạn. Mohamed Jokhadar là một trong số 80.000 người Syria đang phải trú ẩn trong trại tị nạn Zaatari ở Jordan. Là một họa sỹ, Jokhadar đã tận dụng kỹ năng hội hoạ của mình để không chỉ mang lại hy vọng cho những người cùng chung cảnh ngộ mà còn giáo dục họ hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Chạy trốn bạo lực ở quê nhà Homs để đến Jordan năm 2013, ban đầu Jokhadar chọn mở một tiệm cắt tóc, song niềm đam mê mãnh liệt đã thôi thúc anh tiếp tục theo đuổi hội họa. Anh đã miệt mài vẽ các bức tranh tường và chân dung để hồi sinh hy vọng, cũng như vẽ nên một tương lai tươi sáng và đầy màu sắc cho những người tị nạn.
Đối với người nghệ sỹ 35 tuổi này, vẽ tranh không chỉ đơn thuần là một sở thích mà còn là một công cụ trao quyền và giáo dục người tị nạn. Các bức tranh của anh tập trung vào các vấn đề quan trọng đối với người tị nạn, trong đó mô tả cuộc sống và sự hoang tàn ở Syria do tình trạng khủng hoảng và bạo lực kéo dài trong những năm qua.
Các tác phẩm nghệ thuật của Jokhadar làm nổi bật các chủ đề như tầm quan trọng của giáo dục, sự cần thiết phải tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường.
[Triển lãm trực tuyến 18 bức tranh kể chuyện ngày đến với độc lập]
Là cha của ba đứa trẻ và đã có 17 năm làm hội họa, Jokhadar cho biết khi đến trại tị nạn, anh rất thích vẽ những bức tranh tường vì tin rằng những tác phẩm này có thể tiếp cận nhiều khán giả hơn và có thể phản ánh sinh động một vấn đề cụ thể trong xã hội, cũng như có tác động lớn hơn đối với việc nâng cao nhận thức của xã hội.
Các bức tranh của anh cũng nhằm giáo dục cho trẻ em Syria về đất nước, các địa điểm tham quan lịch sử để các em có thêm kiến thức về quê hương. Các tác phẩm nghệ thuật của Jokhadar gửi gắm thông điệp về trách nhiệm đối với những người tị nạn. Jokhadar chia sẻ: “Trong các bức tranh của mình, tôi cũng tập trung miêu tả một thực tế tốt đẹp hơn và một tương lai tươi sáng hơn cho những người tị nạn, cũng như nỗi nhớ quê hương.”
Theo Jokhadar, vẽ tranh giúp anh trau dồi và rèn giũa kỹ năng hội hoạ. Một số tác phẩm của anh đã được trưng bày trong các cuộc triển lãm ở Jordan và các nước khác với sự hỗ trợ của Tổ chức Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHCR).
Jokhadar còn tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến cho những người tị nạn trong đại dịch COVID-19. Nội dung của khóa học là những kiến thức cơ bản về hội họa và phương pháp giúp những người tị nạn thể hiện bản thân và cảm xúc của họ thông qua hội họa. Anh cho rằng việc học vẽ giúp các em nhỏ và thanh thiếu niên nâng cao tinh thần và loại bỏ năng lượng tiêu cực.
Nghệ sĩ người Syria cho biết anh thường vẽ nên một tương lai tươi sáng và tích cực hơn, đồng thời khuyến khích các thanh thiếu niên tị nạn sử dụng nghệ thuật để biểu đạt những gì mà các em hy vọng đạt được. Anh chia sẻ: "Tôi sẵn sàng cống hiến….Tôi đã cung cấp kiến thức của mình trong quá trình dạy vẽ cho những người khác để họ có thể biểu đạt hình ảnh thực tế của chính họ và tương lai mà họ muốn theo cách tốt hơn tôi"./.