Hoàn thiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN vì mục tiêu phát triển

Hội nhập kinh tế không chỉ hướng tới phát triển mà còn phải bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình hình thành một Cộng đồng ASEAN phát triển năng động và thịnh vượng.

Được coi là trụ cột giữ vị trí trọng tâm của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sau hơn 1 năm hình thành đã bước đầu khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực, đồng thời là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện hai trụ cột còn lại, tạo thế và lực cho mục tiêu hình thành cộng đồng theo Tầm nhìn ASEAN 2025.

Có thể nói quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN là tất yếu, được xây dựng trên nền tảng vững chắc của nội khối cũng như những biến đổi thời cuộc.

Điều này đã được thể hiện rõ ràng qua quyết định của các nhà lãnh đạo ASEAN rút ngắn mục tiêu về thời điểm thành lập AEC ngay trong năm 2015, tức sớm hơn 5 năm so với thời hạn ban đầu đề ra là vào năm 2020.

Với việc bắt tay thực thi các kế hoạch trong một loạt lĩnh vực, trong đó quan tâm tới khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, dỡ bỏ hàng rào thuế quan, đẩy mạnh chuyển dịch dòng thương mại và quyền sở hữu trí tuệ, các nước ASEAN đã dần định hình nền tảng cho một cộng đồng kinh tế ASEAN thành công.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã thiết lập một hệ thống giám sát và đánh giá AEC để vận hành một cách hiệu quả Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2025.

Ngoài ra, ASEAN cũng đã mở cổng thuế quan và dịch vụ thương mại điện tử nhằm giúp các doanh nghiệp nhận biết được những lợi ích thực sự mà AEC mang lại cho họ.

Qua hơn 1 năm hình thành, AEC đã góp phần tạo ra một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, có khả năng cạnh tranh, trong đó các nước thành viên bước đầu tham gia hội nhập khu vực sâu và toàn diện, đồng thời tăng cường sự gắn kết nội khối.

AEC không chỉ khiến lòng tin kinh doanh nói chung trong ASEAN được cải thiện rõ rệt, mà còn giúp 10 nước ASEAN có thể thúc đẩy những tiềm năng và lợi ích kinh tế như một khu vực kinh tế thống nhất.

AEC đã tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN, đồng thời tạo sự hấp dẫn với đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài. Sức hấp dẫn của một môi trường AEC thống nhất với 10 thành viên tăng cao hơn rất hơn nhiều so với khi chỉ có từng quốc gia riêng lẻ.

[ASEAN phát triển toàn diện hơn, hội nhập sâu rộng và tự cường hơn]

Các đối tác quan tâm và tìm đến ASEAN là đến với một thị trường rộng lớn, với gần 640 triệu người tiêu dùng và GDP nội khối lên đến 2.500 tỷ USD. Đã có rất nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài ASEAN, đặc biệt là các đối tác đối thoại, đã thể hiện mong muốn tăng cường đầu tư vào ASEAN sau khi AEC ra đời.

Trên thực tế, trong hơn 1 năm qua, dòng đầu tư từ 6 đối tác có nền kinh tế tiềm năng và phát triển là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và New Zealand đã tăng 11%, đạt trên 40 tỷ USD.

Sau khi AEC được thành lập, tiến trình hội nhập của các nền kinh tế ASEAN đã được nâng lên một nấc thang mới, qua đó ASEAN đã khẳng định vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực và hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới.

Trong một không gian kinh tế gắn kết hơn, tính cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên cũng được nâng cao đáng kể. AEC đã tạo môi trường kinh tế năng động, sáng tạo để các nền kinh tế thành viên phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên toàn ASEAN.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn hồi phục mong manh, an ninh toàn cầu vẫn gặp không ít rủi ro, tăng trưởng kinh tế ASEAN năm 2016 đạt 4,5% - tỷ lệ ấn tượng và cao hơn mức trung bình của tăng trưởng kinh tế toàn cầu (hơn 3%). Đó là cơ sở cho những kỳ vọng vào sự phát triển đột phá để đưa AEC trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới vào giữa thế kỷ này.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, cũng cần nhìn lại những tồn tại cả chủ quan lẫn khách quan để AEC có thể sớm được hiện thực hóa một cách toàn diện.

Một trong những hạn chế dễ nhận thấy nhất là AEC chưa đạt nhiều tiến bộ trong việc hài hòa các tiêu chuẩn và quy định để thể hiện rõ những tiềm năng của một khối thương mại thống nhất.

10 quốc gia với những khác biệt đã tạo ra độ trễ nhất định khi đi tới một quyết định nhất thể hóa thị trường. Điều này đòi hỏi các nước ASEAN cần phải nỗ lực, kiên trì hơn rất nhiều nếu muốn sớm tạo lập một khối mậu dịch chung duy nhất và hiệu quả.

Ngoài ra, một tồn tại chưa biết đến khi nào mới có thể giải quyết là khoảng cách phát triển trong từng nước ASEAN quá lớn khi GDP bình quân của nước giàu nhất trong khu vực cao gấp 43 lần nước nghèo nhất.

So với những nền kinh tế phát triển hơn, như Singapore, Malaysia, Thái Lan hay Indonesia, các nước thành viên còn lại không dễ đáp ứng yêu cầu nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, vốn là vấn đề rất cấp thiết để hoàn thành cam kết AEC.

Bên cạnh đó, dù AEC đã cơ bản xóa bỏ tất cả các dòng thuế quan hàng hóa, nhưng vẫn còn những rào cản phi thuế quan cần phải loại bỏ để ASEAN có không gian cho phát triển thương mại.

Sự hiểu biết chưa đồng nhất của người dân, của các doanh nghiệp ASEAN và các doanh nghiệp đang làm ăn hoặc mong muốn làm ăn với ASEAN cũng là một vấn đề rất nan giải hiện nay.

Những khó khăn, bất ổn chung của nền kinh tế toàn cầu cũng cản trở sự phát triển của AEC, nhất là trong bối cảnh chủ trương chống toàn cầu hóa, tăng cường chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở nhiều nước, đặc biệt ở Mỹ.

Rõ ràng việc hình thành AEC vừa mang lại những cơ hội, song cũng đi kèm với những thách thức cho các doanh nghiệp trong khối, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.

Một trong những tồn tại lớn nhất lớn nhất đối với các nước tham gia AEC là sức ép cạnh tranh từ hàng hóa, bởi với cơ cấu sản phẩm tương đối giống nhau ở cả 10 nước ASEAN, việc mở cửa thị trường đã tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu và ở các ngành vốn được bảo hộ cao.

Điều này thể hiện ngay qua việc khi mới chỉ ít thời gian thành lập AEC, xuất khẩu của Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác đã giảm mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN chỉ đạt 17,4 tỷ USD, giảm 4,8% so với năm trước đó.

Nếu so sánh số liệu 6 tháng đầu năm trong 3 năm liên tiếp từ 2014-2016, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước nội khối cũng sụt giảm đảng kể, trong đó nông sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất.

Khi chính thức thành lập cuối năm 2015, AEC mới thực hiện được khoảng 95% số biện pháp để thực hiện lộ trình, do vậy các nước ASEAN vẫn còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN trong năm nay sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá những nhiệm vụ đã làm được trong không gian kinh tế, xem xét các kế hoạch cho việc đặt ra các mục tiêu đến năm 2025 và điều quan trọng nhất là làm sao thúc đẩy hoàn thiện một Cộng đồng Kinh tế AEC “Vì con người và lấy con người làm trung tâm."

Nói một cách khác, hội nhập kinh tế không chỉ hướng tới phát triển, mà còn phải bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình hình thành một Cộng đồng ASEAN phát triển năng động và thịnh vượng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.