Theo các chuyên gia thương mại, năm 2018 là thời điểm vàng của thương mại điện tử khi đa số người tiêu dùng đã trở nên quen thuộc với lĩnh vực mua sắm trực tuyến.
Dự kiến, đến năm 2020 tại Việt Nam sẽ có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người và thương mại điện tử trên nền tảng di động và thương mại điện tử định vị sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu.
Tuy nhiên, để khai thác mảnh đất nhiều tiềm năng này, nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi đây là mắt xích quan trọng giúp thương mại Việt Nam phát triển.
Mắt xích rời rạc
Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, trung bình một tuần, mỗi người bỏ ra gần 25 giờ để lên mạng, tức hơn 3 giờ/ngày. Cùng với đó, gần 1/3 người sử dụng internet để mua sắm online với chi tiêu trung bình 160 USD/người/năm.
[Việt Nam là thị trường tiềm năng trong số hóa và thương mại điện tử]
Hầu hết sản phẩm mà người tiêu dùng Việt mua bán online chủ yếu là quần áo, giày dép chiếm tỷ lệ 64%; sách, âm nhạc, văn phòng phẩm chiếm 51%; mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân 40%; các sản phẩm công nghệ thông tin, gia dụng chiếm 40%; đồ nội thất 29%; sản phẩm ăn uống 20%...
Đây cũng là lý do không ít các nhà phân phối lớn như Công ty trách nhiệm hữu hạn Lotte Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Aeon Việt Nam đã đẩy mạnh, phát triển kênh mua sắm trực tuyến để chen chân cùng các thương hiệu vốn nổi tiếng như Adayroi, Alibaba, Thế giới di động, Lazada, Vật giá, Én bạc...
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử-Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thương mại điện tử đang là mô hình kinh doanh có mức tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế hiện đại nhờ phát huy thế mạnh về tiện lợi cho những người bận rộn.
Do đó, một nửa dân số Việt Nam sử dụng Internet và đang nằm trong top dẫn đầu về thời gian trực tuyến tại Đông Nam Á.
Hiện nay, trung bình một người Việt Nam sở hữu 1,3 chiếc điện thoại, trong đó 70% là smartphone. Hạ tầng công nghệ vững vàng là nền tảng để thương mại điện tử Việt Nam tạo ra doanh số 4 tỷ USD trong năm qua.
Tuy nhiên, theo chỉ số xếp hạng năm 2017, chỉ số thương mại điện tử vẫn tồn tại khoảng cách số rất lớn giữa các địa phương.
Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thời gian qua các kênh phân phối thương mại điện tử được triển khai đa dạng theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trên cả nền tảng web và nền tảng di động.
Vì vậy, có khoảng 46% doanh nghiệp tự xây dựng, vận hành website, 13% doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Giai đoạn 2012-2016, tỷ lệ doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng và đặt hàng thông qua các website thương mại điện tử tăng 30%. Đáng chú ý, có tới 76% website bán hàng có phạm vi kinh doanh toàn quốc, 24% có phạm vi kinh doanh theo địa phương hoặc khu vực.
Không những thế, các ứng dụng thanh toán điện tử đã được triển khai rộng khắp, hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử gồm thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM…), thanh toán trên internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động…
Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Hải cũng thừa nhận, hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như hóa đơn và chứng từ điện tử, thanh toán, logistics hiện đang phát triển ở các mức độ khác nhau, thiếu sự đồng bộ và tính kết nối. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao có tới 40% khách hàng phản hồi về sự chậm trễ trong giao dịch thương mại điện tử.
Hoàn thiện hạ tầng
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) nhấn mạnh muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh khâu tiếp thị và bán hàng trực tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát, giao nhận hàng hóa và tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến trên trang web bán hàng.
Các doanh nghiệp cũng cần theo sát những xu hướng thương mại điện tử mới nhất để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh.
Cũng theo ông Vũ Hoàng Liên, việc xây dựng danh tiếng và sự tín nhiệm cho thương hiệu là điều tiên quyết để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp kinh doanh dựa trên thương mại điện tử, lựa chọn một tên miền phù hợp là bước đầu tiên để xâydựng một hiện diện trực tuyến tin cậy trong mắt khách hàng, qua đó, doanh nghiệp có thể bảo đảm thành công.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử, các chuyên gia cho rằng tới đây hạ tầng phụ trợ cho thương mại điện tử cần được đẩy mạnh phát triển đồng bộ.
Ngoài ra, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia cũng như tích hợp các giải pháp thanh toán đảm bảo để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, hạ tầng chuyển phát cho thương mại điện tử cũng phải chú trọng giải quyết được yếu tố thời gian, quy trình đóng gói, đảm bảo mẫu mã và chất lượng sản phẩm, nhất là khả năng giải quyết khâu hậu cần hoàn tất đơn hàng cho các nhà sản xuất với xu hướng nhà sản xuất sẽ trực tiếp bán và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng.
Cũng theo các chuyên gia, hạ tầng an toàn, an ninh cho thương mại điện tử cần được củng cố với việc thiết lập các hệ thống quản lý, giám sát giao dịch thương mại điện tử; đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử và chứng thực chứng từ điện tử; các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.
Để hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, ông Đặng Hoàng Hải khẳng định, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị hữu quan triển khai hệ thống thanh toán thương mại điện tử Keypay với những tiện ích phù hợp điều kiện đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ cũng tập trung xây dựng Hệ thống quản lý chứng từ điện tử để triển khai rộng rãi trong hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường cũng như xây dựng giải pháp hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử để tạo cơ sở vững chắc cho ngành thương mại điện tử phát triển bền vững trong tương lai./.