Hoạt động chế tạo suy yếu tại châu Á, PMI của Việt Nam vẫn tăng trưởng

Hoạt động chế tạo hầu hết đều “hạ nhiệt” trên khắp khu vực châu Á trong tháng 1/2019, tuy nhiên Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam, Philippines và Thái Lan vẫn nằm trong vùng tăng trưởng.
Hoạt động chế tạo suy yếu tại châu Á, PMI của Việt Nam vẫn tăng trưởng ảnh 1Dây chuyền hàn khung xe tại Công ty ôtô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Hoạt động chế tạo hầu hết đều “hạ nhiệt” trên khắp khu vực châu Á trong tháng 1/2019, thậm chí giảm xuống mức yếu nhất trong nhiều năm tại một số quốc gia.

Diễn biến này đã tăng thêm những lo ngại rằng những căng thẳng thương mại cũng như nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

[Kinh tế Trung Quốc bắt đầu "ngấm đòn" chiến tranh thương mại]

Theo giới quan sát, việc các Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) yếu đi sẽ góp phần củng cố những nhận định rằng các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ khó có thể tiến hành bất cứ đợt tăng lãi suất nào trong năm nay.

Tại một số quốc gia như Trung Quốc, Australia và Ấn Độ, đã bắt đầu có những đồn đoán về khả năng lãi suất còn có thể bị cắt giảm.

Theo kết quả khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu thị trường Caixin/IHS Markit, hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 1/2019 ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong gần ba năm, từ 49,7 hồi tháng 12/2018 xuống còn 48,3. Điều này là do số đơn đặt hàng mới và sản lượng tiếp tục sụt giảm.

Ngoài Trung Quốc, PMI tại Hàn Quốc trong tháng 1 cũng rơi từ mức 49,8 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 là 48,3.

PMI của Indonesia cũng ghi nhận sự suy giảm đầu tiên trong một năm qua, từ 51,2 hồi tháng 12 năm ngoái xuống 49,9 trong tháng đầu tiên của năm 2019 do nhu cầu ở cả trong và ngoài nước đều đi xuống.

Hoạt động chế tạo của Nhật Bản cũng sụt xuống mức thấp nhất trong vòng 29 tháng qua khi chỉ số PMI tại nước này giảm xuống 50,3 từ mức 52,6 ghi nhận hồi tháng 12/2018.

Các nhà quan sát cảnh báo tình hình xuất khẩu kém tươi sáng, sản lượng suy yếu, cùng với nhu cầu nội địa dự kiến “hạ nhiệt” có thể đưa lĩnh vực chế tạo của nước này rơi vào tình trạng suy giảm.

Nhưng không phải chỉ số PMI nào tại châu Á cũng ảm đạm. Tại Ấn Độ, hoạt động chế tạo đã tăng trưởng tương đối khả quan từ mức 53,2 ghi nhận trong tháng 12/2018 lên 53,9 trong tháng 1/2019 nhờ lượng đơn đặt hàng tăng mạnh.

PMI của Việt Nam, Philippines và Thái Lan vẫn nằm trong vùng tăng trưởng với các mức lần lượt là 51,9, 52,3 và 50,2.

Chiến lược gia Irene Cheung, thuộc ngân hàng ANZ, nhận định đà giảm tốc trong lĩnh vực chế tạo của châu Á sẽ vẫn tiếp diễn.

Để có thể ngăn chặn sự suy giảm tiềm tàng trong hoạt động thương mại, rất nhiều yếu tố phụ thuộc vào việc liệu Mỹ và Trung Quốc có đạt được một thỏa thuận hợp lý hay không. Nhưng chuyên gia Cheung nhấn mạnh hiện tất cả chỉ là phỏng đoán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.