Học giả Italy: 2023 là năm thành công của ngoại giao Việt Nam

Sau chuyến thăm Italy của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, quan hệ giữa Italy và Việt Nam đã đạt đến tầm cao mới, sâu sắc hơn và cùng với thời gian ngày càng trở nên bền chặt.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Italy Sergio Mattarella trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italy hồi tháng 7/2023. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Italy Sergio Mattarella trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italy hồi tháng 7/2023. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Năm 2023 là năm rất thành công của ngoại giao Việt Nam trong quan hệ song phương Italy-Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng như trong việc triển khai chính sách đối ngoại hữu nghị với các nước khác trên thế giới.

Đây là đánh giá của ông Antonio Albanese, Giám đốc Hãng Truyền thông AGC tại Italy.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Italy, ông Albanese nhấn mạnh quan hệ Italy-Việt Nam có lịch sử đoàn kết, hữu nghị, bắt nguồn từ phong trào ủng hộ Việt Nam sâu rộng trong những năm 1960-1970.

Cho đến nay, đất nước và con người Việt Nam ngày càng trở nên thân quen hơn với người dân Italy nhờ những hoạt động kỷ niệm dày đặc, được tổ chức tại nhiều thành phố và địa phương của Italy trong năm nay.

Sau chuyến thăm Italy vào tháng Bảy vừa qua của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, quan hệ giữa Italy và Việt Nam đã đạt đến tầm cao mới, sâu sắc hơn và cùng với thời gian ngày càng trở nên bền chặt.

Ngoài các thỏa thuận đã được ký kết, ngoại giao Việt Nam và Italy có khá nhiều nét tương đồng, khi những thay đổi địa chính trị dẫn đến nhu cầu thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, đa dạng và có trách nhiệm, góp phần tăng cường quan hệ quốc tế.

Ngoài yếu tố địa chính trị, truyền thống văn hóa cũng là những yếu tố gắn liền với hai nước. Song song tồn tại ở hai nước là những nền văn minh tồn tại qua hàng nghìn năm.

Italy và Việt Nam là hai quốc gia có truyền thống lịch sử lâu đời và đang cùng nhau nỗ lực đảm bảo hòa bình, thịnh vượng cho người dân mỗi nước, cũng như các khu vực xung quanh trước những nguy cơ xảy ra xung đột. Italy đã nỗ lực tham gia giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine và Gaza.

Italy gần đây đã đưa ra nhiều sáng kiến quốc tế nhằm ngăn chặn nguy cơ cuộc xung đột ở Dải Gaza lan rộng và đảm bảo điều kiện để người dân của hai bên xung đột có thể tìm được cách chung sống hòa bình.

Tại châu Á, Việt Nam đảm nhận vai trò chiến lược quan trọng trong Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần duy trì sự đoàn kết, thống nhất và củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.

Theo ông Albanese, nét tương đồng còn được thể hiện trong hoạt động ngoại giao khéo léo của cả Việt Nam và Italy trong mối quan hệ với các nước lớn.

Ông Albanese kết luận rằng đường lối đối ngoại đúng đắn đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các hoạt động ngoại giao cũng góp phần đưa hình ảnh một Việt Nam tích cực đến bạn bè 5 châu, trong đó có Italy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.