Hội đồng Chủ quyền Sudan tuyên bố không muốn sự can thiệp bên ngoài

Phó Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền Sudan, ông Mohamed Hamdan, nhấn mạnh rằng Hội đồng Chủ quyền không né tránh cộng đồng quốc tế, nhưng "bác bỏ sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này."
Hội đồng Chủ quyền Sudan tuyên bố không muốn sự can thiệp bên ngoài ảnh 1Lực lượng an ninh Sudan sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình ở thành phố Omdurman ngày 4/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 29/1, Phó Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền do quân đội đứng đầu của Sudan tuyên bố Đặc phái viên của Liên hợp quốc nên làm việc với tư cách là "người hỗ trợ chứ không phải người hòa giải," báo hiệu một đường lối cứng rắn hơn của Khartoum đối với các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang xảy ra ở quốc gia châu Phi này.

Phái bộ của Liên hợp quốc do Đặc phái viên Volker Perthes dẫn đầu đã bắt đầu các cuộc đàm phán trong tháng này để giúp giải quyết bế tắc tại Sudan sau cuộc đảo chính năm ngoái.

Trước đây, Hội đồng Chủ quyền Sudan đã hoan nghênh sáng kiến của Liên hợp quốc và ông Perthes cho biết rằng quân đội không phản đối sự hiện diện của ông.

[Liên hợp quốc thúc đẩy đối thoại giải quyết khủng hoảng tại Sudan]

Trong tuyên bố mới, Phó Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền, ông Mohamed Hamdan nhấn mạnh rằng Hội đồng Chủ quyền không né tránh cộng đồng quốc tế, nhưng "bác bỏ sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này."

Tuy nhiên, trong tuyên bố, ông Dagalo không giải thích nguyên nhân dẫn đến những bình luận nêu trên. Cả ông Perthes và Hội đồng Chủ quyền Sudan chưa đưa ra bất cứ ý kiến nào về vụ việc.

Cuộc đảo chính ngày 25/10/2021 của giới quân sự làm gián đoạn quá trình chuyển đổi hòa bình sang dân chủ ở Sudan, hơn hai năm sau khi một cuộc nổi dậy rộng khắp buộc quân đội lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir vào tháng 4/2019.

Hôm 2/1, Thủ tướng Sudan Abdallah Hamdok từ chức do không đạt được thỏa hiệp giữa các tướng lĩnh và phong trào ủng hộ dân chủ của đất nước.

Ông Hamdok đã bị phế truất trong cuộc đảo chính và được phục chức một tháng sau đó, sau một thỏa thuận với quân đội nhằm xoa dịu căng thẳng và các cuộc biểu tình chống đảo chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.