Ngày 11/2 (tức mùng 4 tháng Giêng năm Bính Thân), phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tổ chức lễ đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội truyền thống Đồng Kỵ và tổ chức khai hội với nghi lễ rước pháo.
Đây là một trong những lễ hội được tổ chức sớm nhất trong năm và có nhiều nét văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan.
Hội Đồng Kỵ có hội pháo diễn ra trong 3 ngày: mùng 4,5,6 tháng Giêng Âm lịch, gắn liền với sự tích về đức thánh Thiên Cương ra quân đánh giặc Xích Quỷ. Hội pháo nhằm nhắc lại chiến công anh dũng của đức thánh Thiên Cương cùng dân làng Đồng Kỵ, tiếng pháo nổ là tiếng pháo lệnh xuất quân chiến đấu của Ngài.
Hội Đồng Kỵ là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu của vùng Đông Ngàn xưa, một bảo tàng sống về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, ở đó lưu giữ và bảo tồn nhiều phong tục, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật và cả sự kiện xã hội, lịch sử quan trọng của dân tộc.
Lễ hội là dịp để dân làng bày tỏ lòng biết ơn với đức thánh Thiên Cương; đồng thời là dịp để người dân cố kết cộng đồng, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ để giúp nhau trong cuộc sống, sinh hoạt và phát triển kinh tế.
Với những giá trị, vai trò đó, đầu năm 2016, Hội Đồng Kỵ vinh dự là 1 trong 15 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.
Trước đây, mỗi mùa Xuân về, Đồng Kỵ không ngớt tiếng pháo, người người làm pháo, nhà nhà làm pháo. Pháo nhà nào càng lớn, càng nổ to thì càng hứa hẹn một năm nhiều may mắn, tài lộc. Từ khi pháo nổ không còn được lưu hành, thực hiện theo quy định của Nhà nước, người dân Đồng Kỵ giữ truyền thống của tổ tiên thông qua nghi lễ thờ pháo và rước pháo.
Lễ rước pháo Đồng Kỵ được chuẩn bị từ sớm mùng 4 với sự tham gia của hàng trăm người, với nhiều nghi thức trang trọng, đặc sắc. Người tham gia đông, người xem lại càng đông, năm nào đám rước cũng kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ trong sự chứng kiến, háo hức của hàng nghìn du khách thập phương.
Những người lần đầu tiên đi hội Đồng Kỵ không khỏi ngạc nhiên trước những nghi lễ của đám rước, không khí náo nức, phấn khởi. Hội Đồng Kỵ nổi tiếng khắp cả nước bởi duy trì được nét truyền thống đặc sắc.
Bên cạnh tục rước pháo luôn chật cứng người xem, về hội Đồng Kỵ, du khách còn được tham gia các hoạt động văn hóa thể thao như Quan họ trên thuyền, đấu vật, cờ tướng, chọi gà… thể hiện nét văn hóa lành mạnh trong mùa lễ hội tại làng Đồng Kỵ nói riêng, tỉnh Bắc Ninh nói chung.
Cũng trong ngày 11/2, tại thôn Hữu Chấp, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Chính quyền và nhân dân xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh đã tổ chức lễ đón nhận Bằng di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ hội Kéo co thôn Hữu Chấp và khai hội Kéo co truyền thống.
Lễ hội Kéo co thôn Hữu Chấp là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời nhất của vùng Kinh Bắc với hàng trăm năm tồn tại và đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, người dân có cuộc sống ấm no, hưng thịnh.
Khác với trò chơi kéo co ở các địa phương khác, kéo co làng Hữu Chấp sử dụng thân cây tre làm dây kéo. Việc lựa chọn tre được người dân nơi đây tiến hành hết sức cẩn trọng tỷ mỉ.
Ngay từ trước Tết Nguyên đán, Ban tổ chức lễ hội đã cử người đi chọn 2 cây tre thẳng, không già quá, không non quá, không bị cộc ngọn, không bị sâu, tổng số đốt của 2 cây tre phải là số lẻ. Tre cũng phải lựa chọn ở nhà không có tang bụi.
Sáng mùng 3 Tết, đông đảo nhân dân tập trung tại đình làng cạo sạch tre sao cho thân cây tre lộ ra phần cật trắng, đục lỗ hai đầu, kết thừng làm thành ba hình tròn xoắn trôn ốc to nhỏ khác nhau để giao kết hai đầu của hai cây tre. Hai đòn tay biểu trưng cho hai hướng Đông, Tây. Ba hình tròn to nhỏ khác nhau biểu thị cho tính đực và cái, âm và dương, đó chính là ba hình con nhện (một con cái và hai con đực) hai sợi dây vắt chéo hình dấu nhân là chân nhện.
Sau khi dây kéo làm xong được treo lên phía trước cửa nhà tiền tế đình để báo cáo với Thành hoàng làng việc chuẩn bị cuộc thi đã hoàn tất. Đó cũng chính là tín ngưỡng phồn thực với ước mong mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi phát triển.
Theo Ban tổ chức, đội hình kéo co bao gồm 70 thanh niên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 30-45 chia làm 2 đội bên Đông và Tây. Bốn ông hóa cầm cờ lệnh và bốn ông vè làm nhiệm vụ cầm chịch cuộc chơi.
Bốn người to khỏe nhất sẽ được chọn đứng đầu đòn gánh, tất cả đều cởi trần, đóng khố, thắt lưng nhiễu điều, đầu chít khăn lụa, những người còn lại bám vào thân tre chờ hiệu lệnh của các ông Hóa mà kéo.
Theo quy định từ xa xưa của người dân Hữu Chấp, các đội sẽ kéo 3 keo, bên nào kéo được 2 keo bên đó thắng. Đặc biệt, tới keo thứ ba, người xem được quyền vào kéo giúp. Điều độc đáo trong trò chơi không phải bên nào kéo khỏe sẽ thắng mà cần vận hành theo quy tắc.
Người dân nơi đây cho rằng phía Đông là hướng của mặt trời mọc và phía Tây là phía Mặt Trời lặn, sự xuất hiện và biến mất của mặt trời thể hiện chu trình khép kín của thời gian luân chuyển từ ngày này sang ngày khác.
Đây cũng là một đặc trưng nổi bật của cộng đồng cư dân trồng lúa nước mang trong mình tín ngưỡng thờ thần Mặt Trời. Vì thế, đến keo thứ ba, dân làng sẽ vào giúp bên Đông để bên Đông chiến thắng.
Với những giá trị truyền thống về văn hóa cũng như lịch sử lễ hội Kéo co làng Hữu Chấp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào 12/2014.
Đồng thời, lễ hội Kéo co này góp phần đưa Nghi lễ, trò chơi Kéo co ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào 12/2015./.