Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam-Australia lần thứ tư

Với việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 3/2024, Việt Nam và Australia là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau trong nhiều lĩnh vực.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Thanh Tú/TTXVN)
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Thanh Tú/TTXVN)

Ngày 17/10, Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam-Australia lần thứ tư, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Australia Don Farrell đồng chủ trì, đã diễn ra tại thành phố Adelaide.

Đón tiếp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam có Thống đốc bang Nam Australia, bà Frances Adamson.

Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam-Australia lần thứ tư diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Australia vào tháng 3/2024.

Tham dự hội nghị, về phía Việt Nam có đại diện của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia…

Về phía Australia có đại diện của các Bộ Ngoại giao và Thương mại, Cơ quan Thương mại và Đầu tư (Austrade), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.

ttxvn_doi tac kinh te viet nam-Australia 2.jpg
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Australia Don Farrell (giữa) và Thống đốc bang Nam Australia Frances Adamson (trái) đón Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (phải). (Ảnh: Thanh Tú/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, liên tục trong năm nay.

Với việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 3/2024, Việt Nam và Australia là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo…

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Australia Don Farrell cho biết thương mại giữa Việt Nam và Australia đang bùng nổ mạnh mẽ, mang lại thêm nhiều cơ hội hơn cho các nhà xuất khẩu, các doanh nghiệp và người lao động của cả hai nước.

Trong 3 năm qua, thương mại hai chiều của Australia và Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục là hơn 26 tỷ AUD và Việt Nam trở thành một trong những nguồn khách quốc tế đến Australia tăng trưởng nhanh nhất kể từ đại dịch COVID-19.

Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đang hỗ trợ các doanh nghiệp của quốc gia châu Đại Dương này nắm bắt những cơ hội mới trong khu vực và Việt Nam là một trong những nước có nhiều tiềm năng cho các nhà xuất khẩu của Australia.

Trong các cuộc trao đổi tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Australia Don Farrell có chung đánh giá rằng về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Australia là một trong các nhà tài trợ có hỗ trợ ODA không hoàn lại lớn cho Việt Nam.

Theo thông báo của Đại sứ quán Australia, trong giai đoạn 2023-2024, Australia đã cung cấp 95 triệu AUD cho Việt Nam. ODA của Chính phủ Australia dành cho Việt Nam hiện nay tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng kinh tế; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao; năng lượng và khí hậu; bình đẳng giới.

Về đầu tư nước ngoài (FDI), tính đến tháng 8/2024, các nhà đầu tư Australia có 660 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,05 tỷ USD, đứng thứ 21/149 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống và nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Về thương mại, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Australia đạt 10,8 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Australia đạt 5 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 5,8 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhập siêu của Việt Nam từ Australia có giá trị 777 triệu USD, giảm 69,5% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu của Việt Nam sang tập trung vào một số mặt hàng như máy móc, thiết bị, giày dép, dệt may, thủy sản, sắt thép các loại...

Ở chiều ngược lại, Australia là thị trường cung cấp nguyên vật liệu quan trọng, phục vụ sản xuất trong nước như than các loại, bông các loại, quặng và khoáng sản khác, lúa mỳ.

Về giáo dục đào tạo, theo thống kê của Bộ Giáo dục Australia, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ năm trong số các quốc gia có sinh viên du học tại quốc gia châu Đại Dương này. Tính đến ngày 31/8 vừa qua, có 36.221 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục Australia.

Tại hội nghị, hai bên cũng đã trao đổi để đưa ra các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế Việt Nam-Australia và mở ra các hướng phát triển mới cho mối quan hệ này, đồng thời đánh giá việc thực hiện Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế và kết quả cuộc họp các Nhóm công tác về ODA, FDI và thương mại, lắng nghe báo cáo về tình hình thực hiện sáng kiến doanh nghiệp tiên phong để thúc đẩy môi trường kinh doanh.

ttxvn_doi tac kinh te viet nam-Australia 3.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Australia Don Farrell (ngoài cùng bên phải), Thống đốc bang Nam Australia Frances Adamson chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Tú/TTXVN)

Ngoài ra, hai bên đã trao đổi về hợp tác giữa hai nước trong các diễn đàn/cơ chế đa phương và khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

Hai bên cũng thống nhất, Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam-Australia lần thứ năm sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào thời gian thích hợp để hai bên rà soát tiến độ thực hiện Chiến lược Tăng cường kết nối kinh tế Việt Nam-Australia, kết quả triển khai các thỏa thuận tại Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam-Australia lần thứ tư, đồng thời đề xuất các sáng kiến, thỏa thuận hợp tác mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.