Tương lai quan hệ Việt Nam-Australia dưới góc nhìn của giới chuyên gia, học giả

Theo đánh giá của ông Layton Pike, Việt Nam đang tích cực nỗ lực không chỉ ở trong nước mà còn trên trường quốc tế, và Việt Nam nên tiếp tục duy trì đường hướng này.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Lê Đạt/TTXVN)
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Lê Đạt/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, ngày 17/10, tại thành phố Adelaide - thủ phủ bang Nam Australia - đã diễn ra cuộc hội thảo của Viện Chính sách Australia-Việt Nam (AVPI) với chủ đề “Đón nhận sự dịch chuyển, sự chuyển đổi và xây dựng, duy trì niềm tin: Khám phá tương lai của mối quan hệ Australia-Việt Nam.”

Cuộc hội thảo quy tụ hơn 130 đại biểu là những chuyên gia, học giả có uy tín chuyên nghiên cứu về mối quan hệ Việt Nam-Australia, đại diện các doanh nghiệp hai nước để cùng nhau thảo luận, khám phá các cơ hội mới nổi, đồng thời phân tích tầm quan trọng của việc xây dựng và duy trì niềm tin, tìm ra những giải pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng của hai nước trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau nhìn lại những bước tiến quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Australia suốt một năm qua, tìm hiểu xem các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các tổ chức của Australia có thể tận dụng như thế nào các cơ hội mà mối quan hệ đối tác được nâng cấp giữa Việt Nam và Australia mang lại.

Nhiều ý kiến cho rằng quan hệ Australia-Việt Nam, được xây dựng trong suốt hơn 50 năm qua, đã bước vào một kỷ nguyên mới. Năm 2024 được coi là năm mang lại “trái ngọt” cho quan hệ song phương khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 3/2024, mở ra cánh cửa thúc đẩy các mối quan hệ thương mại, đầu tư và giao thương giữa hai nước.

Về viễn cảnh kinh tế của Việt Nam, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng khu vực sản xuất định hướng xuất khẩu, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và sự hội nhập kinh tế toàn cầu ngày tăng đã trở thành những nhân tố đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất của khu vực Đông Nam Á.

Các chuyên gia, học giả đã phân tích những động lực tạo nên sự tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam và khám phá đường hướng phát triển của “dải đất hình chữ S,” bao gồm các cuộc cải cách, các điều kiện toàn cầu và thị trường cần thiết để đảm bảo sự tăng trưởng trong tương lai.

Những chuyển biến kinh tế đáng kể trong suốt 2 thập kỷ qua đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực. Tuy nhiên, trong một môi trường toàn cầu đầy tính cạnh tranh và một khu vực ngày càng phức tạp, việc duy trì động lực này chưa chắc đã được đảm bảo.

Vì vậy, hội thảo tập trung thảo luận về những nhân tố đằng sau sự chuyển đổi kinh tế nhanh chóng của Việt Nam và tìm hiểu các công nghệ cũng như nhiều nhân tố khác đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Hội thảo cũng tập trung vào tầm quan trọng của việc xây dựng sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, trong đó có việc giúp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư hai chiều lớn hơn, và các mối giao lưu nhân dân; tập trung vào việc tận dụng những ý kiến chuyên môn và mối liên kết trong cộng đồng, vai trò của người Australia gốc Việt đóng góp cho mối quan hệ song phương, trong việc thúc đẩy các mối quan hệ giữa doanh nghiệp, giáo dục và chính phủ 2 nước.

Đánh giá cao và tích cực những thành tựu cũng như triển vọng kinh tế, đối ngoại của Việt Nam trong thời gian qua và trong tương lai là nhận định chung của các chuyên gia, học giả trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN bên lề hội thảo.

ttxvn_viet_nam_va_moi_quan_he_voi_australia_duoi_goc_nhin_cua_gioi_chuyen_gia_hoc_gia_1810-2.jpg
Tiến sỹ Lê Thu Hường, Phó Giám đốc Chương trình Châu Á, Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, Chủ tịch Ban Cố vấn của AVPI, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Lê Đạt/TTXVN)

Ông Layton Pike - đồng sáng lập AVPI - nhận định Việt Nam đã đạt được thành tích phi thường về kinh tế trong những năm gần đây, với mức tăng trưởng GDP cao liên tục và đời sống của người dân được cải thiện.

Sự hội nhập kinh tế liên tục của Việt Nam, được hình thành thông qua các liên kết chính sách đối ngoại, thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tục khuyến khích nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn vào Việt Nam, đồng thời cũng quan trọng trong việc giúp Việt Nam quản lý thách thức trong phát triển các ngành công nghiệp và nền kinh tế của riêng mình.

Ông Layton Pike cho rằng yếu tố quan trọng để đạt được điều đó là phát triển nguồn nhân lực. Việc Việt Nam có thêm nhiều trường đại học chuyên ngành sẽ thực sự quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của Việt Nam khi nước này trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và sau đó là thu nhập cao.

Theo đánh giá của ông Layton Pike, Việt Nam đang tích cực nỗ lực không chỉ ở trong nước mà còn trên trường quốc tế, và Việt Nam nên tiếp tục duy trì đường hướng này. Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự cải cách kinh tế trong nước, hội nhập kinh tế quốc tế và tập trung xem những điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai lâu dài.

Về quan hệ Australia-Việt Nam, ông Layton Pike cho rằng mối quan hệ song phương đang ở mức cao nhất mọi thời đại và có rất nhiều triển vọng để lạc quan trong tương lai.

Cùng chung nhận định, Tiến sỹ Lê Thu Hường - Chủ tịch Ban Cố vấn của AVPI - cho rằng Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế rất tốt, tăng trưởng ổn định, khá vượt trội so với các nước trong khu vực. Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội. Trong bối cảnh môi trường địa chính trị căng thẳng như hiện nay và sự cạnh tranh thương mại ngày càng lớn, dẫn đến sự xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam vẫn khẳng định được vị thế của mình, thành công trong việc thu hút đầu tư.

Tiến sỹ Lê Thu Hường cho rằng chính sách “ngoại giao cây tre” và “làm bạn với tất cả các nước” đã giúp ích cho nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, bà cho rằng đây mới chỉ là giai đoạn phát triển ban đầu của nền kinh tế, và Việt Nam cần tránh để bị rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình. Đồng thời, Việt Nam cần làm thế nào để đưa ra các quy định nhưng vẫn thân thiện với đầu tư nước ngoài. Đây là những thách thức chủ yếu.

Bên cạnh đó, Tiến sỹ Lê Thu Hường cho rằng Việt Nam đang duy trì chính sách đối ngoại đúng đắn, với những nhà lãnh đạo có năng lực. Thách thức duy nhất nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam là những thách thức đến từ bên ngoài, từ các cuộc khủng hoảng bên ngoài và việc các đối tác bên ngoài sẵn sàng làm sâu sắc quan hệ với Việt Nam đến mức độ nào. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ phản ứng ra sao? Đó thực sự sẽ là phép thử để xem chính sách đối ngoại của Việt Nam thành công đến mức độ nào.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Lê Thu Hường cho rằng Việt Nam đang có môi trường rất thuận lợi, hầu hết các nhà lãnh đạo nước ngoài đều rất nhiệt tình đón nhận Việt Nam đóng vai trò chủ động hơn.

Đặc biệt, quan hệ Việt Nam-Australia đang ở thời điểm tốt đẹp và có động lực lớn nhờ sự thúc đẩy của chính phủ, người dân hai nước, cùng với đó là những động lực kinh doanh lớn vì lợi ích chung của cả hai bên.

Ông Leigh Howard - Giám đốc điều hành của Asialink Business tại Đại học Melbourne và là thành viên Ban cố vấn AVPI - cho rằng triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nhân khẩu học, nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển, chuyển đổi năng lượng tái tạo và các mối quan hệ đối tác thương mại chiến lược. Cơ hội tăng trưởng tồn tại trong lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ và sản xuất.

Tuy nhiên, một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là việc điều hướng những “cơn gió ngược” của nền kinh tế toàn cầu, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và thúc đẩy các cải cách pháp lý cần thiết để tiếp tục mở cửa và hiện đại hóa nền kinh tế.

Ông cho rằng Việt Nam cần tiếp tục phát huy những thành công của mình bằng cách tăng cường sự tham gia toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại đa phương, cải cách kinh tế trong nước và đổi mới liên tục. Một môi trường chính trị ổn định và đầu tư vào giáo dục, cơ sở hạ tầng sẽ là chìa khóa để duy trì tăng trưởng lâu dài.

Dành những đánh giá khá tích cực cho triển vọng của mối quan hệ Việt Nam-Australia, ông nhận định mối quan hệ song phương sẽ còn phát triển hơn nữa nhờ lợi ích kinh tế chung trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng tái tạo, nông nghiệp và giáo dục. Khi cả hai quốc gia tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực sẽ ngày càng mở rộng. Điều này mang lại lợi ích trong việc tăng cường ổn định khu vực và sự thịnh vượng kinh tế lớn hơn.

ttxvn_viet_nam_va_moi_quan_he_voi_australia_duoi_goc_nhin_cua_gioi_chuyen_gia_hoc_gia_1810-3.jpg
Bà Louis Adams, Giám đốc điều hành Công ty Aurecon (Australia) phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Lê Đạt/TTXVN)

Trong khi đó, bà Louis Adams - Giám đốc điều hành của Công ty Aurecon (Australia), mở văn phòng tại Việt Nam từ năm 1991 và hiện là công ty tư vấn kỹ thuật xây dựng quốc tế lớn nhất ở Việt Nam - đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam rất tích cực, sự tăng trưởng mà Việt Nam đạt được trong những năm qua sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.

Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội, đặc biệt là trong trình chuyển đổi năng lượng và nền kinh tế xanh, lĩnh vực giáo dục, các kỹ năng số và chuyển đổi số vốn đang đang diễn ra mạnh mẽ ở quốc gia Đông Nam Á này. Bà cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia hiện nay có thể đóng góp cho sự tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Để duy trì những gì Việt Nam đã đạt được gần đây, bà Louis Adams cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào việc trở thành đối tác với nhiều quốc gia và thúc đẩy các mối quan hệ trên mọi phương diện, và sau đó đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy quan hệ với các quốc gia như Australia, Singapore và các nước láng giềng gần. Bà khẳng định Việt Nam có rất nhiều cơ hội để thể hiện vai trò của mình trong việc mang lại thịnh vượng cho chính quốc gia này và cho cả khu vực rộng lớn hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục