Hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu của thời đại, song trong quá trình hội nhập văn hóa, tiếp thu tinh hoa trí tuệ nhân loại, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng “nhập siêu văn hóa.”
Cùng với cái hay, cái tốt, chúng ta cũng mở cửa đón cả những cái ngoại lai, xấu độc, những “rác” văn hóa hết sức nguy hại cho nền văn hóa dân tộc.
Đó là trăn trở của Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus bên lề Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
‘Nhập siêu văn hóa,’ nhập cả hàng xấu độc
Chỉ mặt, đặt tên những tác hại của “nhập siêu văn hóa,” Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương, cho rằng các sản phẩm văn hóa ngoại lai có xu hướng tuyên truyền quảng bá lối sống thực dụng, khiến con người quên đi cội nguồn dân tộc, xem nhẹ tình người, không có mục tiêu lý tưởng, trách nhiệm với quốc gia dân tộc.
“Những luồng thông tin xấu độc xói mòn lòng tin của con người, làm tha hóa biến chất con người, khiến người Việt Nam chỉ thấy lợi ích trước mắt mà quên đi bản sắc truyền thống. Điều này gây khó khăn lớn trong việc phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc,” ông nói.
“Nhập siêu văn hóa” kéo dài cũng chính là nhận định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Đây cũng là một trong những biểu hiện của việc thể chế hóa đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người chưa theo kịp yêu cầu.
“Một bộ phận cán bộ, nhân dân có tâm lý sính ngoại, tiêu dùng sản phẩm văn hóa cũng như tiếp nhận lối sống thiếu chọn lọc, ảnh hưởng đến việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và xây dựng con người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế,” ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Theo báo cáo do Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày, cùng với “nhập siêu văn hóa” kéo dài, mức đầu tư cho văn hóa đối ngoại cũng còn thấp. Điều đó dẫn đến việc: “Sản phẩm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam chất lượng chưa cao nên hiện khó vào được thị trường văn hóa ở nhiều nước. Việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài mới chỉ có ở một số địa bàn, khu vực. Việc quản lý khách du lịch và hoạt động văn hóa nghệ thuật của một số tổ chức, trung tâm văn hóa nước ngoài còn bị động.”
Liên quan đến "nhập siêu văn hóa," ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhắc tới việc không ít cơ quan thông tin đại chúng giới thiệu, quảng bá phim ảnh, chương trình, sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật thiếu thận trọng chọn lọc, thẩm định dẫn tới sai sót, vi phạm.
“Công tác quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm chưa chặt chẽ dẫn đến để lọt sản phẩm văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc, thậm chí có những sản phẩm độc hại,” ông nói.
Thể chế là ‘bà đỡ’ cho văn hóa
Trước tình hình đó, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hữu Thức, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cho rằng Nhà nước cần nhanh chóng thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật các quan điểm, nhiệm vụ của Đảng về chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Ông cho rằng thể chế có sứ mệnh là “bà đỡ” cho văn hóa phát triển. Do đó, Nhà nước cần chủ động xây dựng, ban hành những chính sách mới phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ưu tiên cho các chính sách đưa sản phẩm văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho những tổ chức, cá nhân có khả năng thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa.
Song song với đó, cơ quan chức năng cũng phải xử lý kịp thời những thách thức nảy sinh trong quá trình hội nhập, bảo đảm an ninh tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
[Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trước yêu cầu mới]
“Khi người dân được rèn luyện ‘sức đề kháng’ trước các sản phẩm văn hóa, thông tin độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta, họ sẽ giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, “quyền lực mềm” của quốc gia trong các quan hệ quốc tế,” ông nói.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương tâm đắc với quan điểm "tăng sức đề kháng" của người dân trước sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai.
Ông chia sẻ: "Chúng ta cần có quy định hướng dẫn của ban bộ ngành chuyên môn để thống nhất từ trung ương đến địa phương về mặt quan điểm xã hội rằng cái gì ngoại lai, không phù hợp thuần phong mỹ tục thì phải bỏ. Khi chúng ta nhận thức đúng thì sẽ có cách làm đúng, sẽ có 'sức đề kháng' trước những sản phẩm xấu độc."
Nói đến việc xây dựng thể chế trong quá trình hội nhập, bà Lê Thị Hà, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa phải có sự chuẩn bị kỹ, từ sớm, từ xa nhằm đánh giá đúng thực chất tác động chính sách của từng dự án, từ đó trình cấp có thẩm quyền ban hành, điều chỉnh các quan hệ xã hội theo đúng định hướng, phù hợp với tình hình thực tế.
Những nội dung nào đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm thì ban hành Luật để điều chỉnh; những nội dung nào chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì sẽ làm thí điểm để tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn. Cụ thể, bà Hà cho biết trong lĩnh vực di sản văn hóa, luật chưa xác định rõ, chưa hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị; trong lĩnh vực quảng cáo, luật chưa có quy định về các loại hình quảng cáo, phương tiện quảng cáo mới phát sinh trên nền tảng số...
“Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên Đảng đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương nhằm phát huy trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất giúp hệ thống pháp luật về văn hóa nhận được sự đồng thuận cao sau khi ban hành,” bà Hà nói./.