“Hội sách Hà Nội 2014” là tiền đề để tổ chức hội sách thường niên

Bà Phan Lan Tú cho biết, “Hội sách Hà Nội” sẽ là tên gọi thường xuyên, chính thức của hội sách được tổ chức ở Thủ đô. Những lần tổ chức sau sẽ chỉ khác nhau ở thời điểm, chủ đề hội sách.
Bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (Ảnh: ict-hanoi.gov.vn)

“Hội sách Hà Nội năm 2014” diễn ra từ ngày 26/9-2/10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội) là sự kiện văn hóa có ý nghĩa thiết thực chào mừng 60 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014).

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, đơn vị chủ trì hội sách về những vấn đề xung quanh sự kiện này.

- Thưa bà, ý nghĩa của việc tổ chức “Hội sách Hà Nội năm 2014” là gì?

Bà Phan Lan Tú: Trước hết, xin thay mặt cho ban tổ chức, tôi xin được nói thêm về tên gọi của Hội sách.

Lúc đầu, khi mới tham mưu cho Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch tổ chức hội sách, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất chủ đề Hội sách năm 2014 là "Hà Nội – Thành phố vì hòa bình." Bởi lẽ, năm nay, ngoài lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô,  Hà Nội còn kỷ niệm 15 năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình.”

Tuy nhiên, sau khi nhận được sự góp ý, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, chúng tôi đã quyết định lấy tên Hội sách là “Hội sách Hà Nội năm 2014.”

“Hội sách Hà Nội” sẽ là tên gọi thường xuyên, chính thức của hội sách được tổ chức ở Thủ đô. Những lần tổ chức sau sẽ chỉ khác nhau ở thời điểm tổ chức và sẽ gắn với các chủ đề khác nhau. Cụ thể, năm nay, Hội sách Hà Nội – năm 2014 sẽ có chủ đề "Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2014)." Đây chính là một trong những sự kiện văn hóa đặc biệt của Thủ đô, nằm trong chuỗi sự kiện của thành phố nhằm chào mừng và kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 15 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình.”

“Hội sách Hà Nội năm 2014” được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long là sự kết hợp giữa Hội sách và Di sản văn hóa Thế giới của Thủ đô. Vì thế, Hội sách không chỉ góp phần nâng cao văn hoá đọc, hướng tới xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống xã hội của Thủ đô, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà còn là dịp để tất cả chúng ta ôn lại truyền thống văn hiến ngàn năm Thăng Long–Hà Nội.

Sự kiện lần này cũng góp phần tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân Thủ đô và cả nước về ý nghĩa lịch sử to lớn của Ngày Giải phóng Thủ đô, ý nghĩa và niềm tự hào với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng.

- “Hội sách Hà Nội năm 2014” có quy mô là sự kiện lớn nhất về sách trong năm 2014 ở Thủ đô. Với tư cách là đơn vị chủ trì, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã chuẩn bị như thế nào cho sự kiện này, thưa bà?

Bà Phan Lan Tú: Ý thức tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, nhằm góp phần nâng cao văn hoá đọc, hướng tới xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống xã hội của Thủ đô, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản tại địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 04/8/2014 về việc tổ chức Hội sách nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 15 năm Thủ đô Hà Nội được vinh danh là "Thành phố vì hòa bình."

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội là đơn vị chủ trì tổ chức Hội sách. Các đơn vị phối hợp tổ chức hội sách bao gồm: Ban Tuyên giáo Thành ủy, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam..., một số nhà xuất bản, công ty sách trên địa bàn Thành phố.

Về việc tổ chức Hội sách, Ban chỉ đạo và Ban tổ chức chúng tôi có gần hai tháng để thực sự triển khai Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Tuy nhiên, nhận thấy tầm quan trọng và quy mô của hội sách nên từ những tháng trước đó, chúng tôi đã lên ý tưởng, xác định những công việc cần chuẩn bị. Tất cả các hạng mục trang trí, tạo điểm nhấn cho hội sách; công tác trưng bày sách tại bảy gian chuyên đề; việc tổ chức, sắp xếp hơn 100 gian hàng của các đơn vị tham gia...đều đã được hoàn tất.

Đến thời điểm này, chúng tôi đã có thể yên tâm về công tác chuẩn bị, sẵn sàng chào đón nhân dân đến với ngày hội văn hóa đọc của Thủ đô.

Hội sách sẽ kéo dài đến trưa ngày 2/10 (Ảnh: A.N/Vietnam+)

- Điểm nhấn quan trọng nhất của Hội sách lần này là gì, thưa bà?

Bà Phan Lan Tú: Đây là lần đầu tiên Hội sách Hà Nội được tổ chức. Chương trình sẽ mang những màu sắc, dấu ấn khác biệt, thể hiện phong cách của Thủ đô. Ban Tổ chức đã quan tâm đầu tư cả về hình thức và nội dung, chất lượng của Hội sách. Từ cổng vào hội sách (số 19C Hoàng Diệu), đến khu vực sân khấu trung tâm (Đoan Môn, Hoàng Thành), các gian chuyên đề trưng bày sách và các gian hàng…đều được thiết kế mang tính mỹ thuật, kỹ thuật cao, thể hiện rõ nét không gian văn hóa Hà Nội.

Tổng thể Hội sách là không gian đẹp, mang tính văn hóa và tính giáo dục cao. Tuy nhiên, để nói về điểm nhấn thì tôi nghĩ  thật khó để đưa ra được điểm nào là quan trọng nhất. Ban Tổ chức luôn cố gắng để Hội sách Hà Nội năm 2014 thật sự có ý nghĩa nhân kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2014) và là Ngày hội của những người yêu quý sách.

Bản thân địa điểm tổ chức - Hoàng Thành Thăng Long đã là một điểm nhấn. Đến với “Hội sách Hà Nội năm 2014” cũng đồng nghĩa là nhân dân đã đến với Di sản văn hóa Thế giới của Thủ đô, qua đó, chúng ta tôn vinh và phát triển văn hóa đọc đồng thời tôn vinh và góp phần bảo tồn di sản văn hóa Hoàng Thành Thăng Long.

Điểm nhấn khác là không gian trưng bày sách theo các chuyên đề ý nghĩa “Thăng Long xưa – Hà Nội nay”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội nhân dân Việt nam anh hùng”, “Hà Nội với biển đảo quê hương”, “Khám phá thế giới”, “Sách hay-Sách đẹp”.

Đặc biệt, tại chuyên đề “Hành trình của sách,” Thư viện Quốc gia sẽ trưng bày, giới thiệu một số tư liệu - tri thức của người Việt Nam được khắc, ghi trên nhiều loại chất liệu (như đá, đất nung, thanh tre, lá, bản khắc trạm trên gỗ, đồng, giấy...), sách viết về Hà Nội qua các thời kỳ; một số hiện vật, tư liệu liên quan đến các tri thức chứa đựng trong sách...

Qua đó, ban tổ chức hy vọng sẽ cung cấp cho công chúng cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về nền văn hiến thành văn của dân tộc Việt Nam, về Thủ đô Hà Nội qua từng thời kì lịch sử.

Với mục đích tạo ra một không gian văn hóa ấn tượng, hấp dẫn và phong phú phục vụ mọi đối tượng bạn đọc, Hội sách còn tổ chức các hoạt động bên lề như: viết thư pháp, khắc dấu gỗ, bố trí khu vực càphê sách, khu vui chơi của trẻ em…

Một điểm đặc biệt khác của chương trình là, ban tổ chức phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát động các đơn vị tham gia Hội sách và độc giả ủng hộ, tặng sách cho các thư viện trường học và các điểm bưu điện văn hóa tại các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn Thành phố, các chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.

- Với chương trình trưng bày chuyên đề “Thăng Long xưa-Hà Nội nay”, “Hành trình của sách”, công chúng có thể hình dung về lịch sử hình thành và phát triển nền văn hiến thành văn của dân tộc Việt Nam nói chung, về Thủ đô Hà Nội nói riêng như thế nào, thưa bà?

Bà Phan Lan Tú: Chuyên đề “Thăng Long xưa-Hà Nội nay” sẽ trưng bày, giới thiệu sách, các ấn phẩm giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử Thăng Long-Hà Nội, quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô mà trọng tâm là Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”; mô phỏng tư liệu về Thăng Long–Hà Nội được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại Pháp và Công ty Đông Ấn Anh – Hà Lan.

Bên cạnh đó, cuốn sách ảnh “Hà Nội – Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình” do đơn vị Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Hà Nội thực hiện cũng sẽ được ra mắt trong dịp này.

Chuyên đề “Hành trình của sách (do Thư viện Quốc gia Việt Nam thực hiện)  trưng bày, giới thiệu một số tư liệu, sách viết về Hà Nội qua các thời kỳ (từ trước năm 1902 đến nay, trong đó có sách xuất bản trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp và những ngày đầu Giải phóng Thủ đô).

Ngoài ra, hội sách còn có không gian trưng bày các cuốn sách từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 70 của thế kỷ XX do Trung tâm Văn hóa-Ngôn ngữ Đông Tây thực hiện.

Có thể nói,  những tư liệu, những cuốn sách tại Hội sách Hà Nội đều chuyển tải thông điệp về một Hà Nội anh hùng, bất khuất, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc nhưng vẫn giữ được bản sắc ngàn năm văn hiến, tinh thần hiếu học, biết quan tâm và bồi dưỡng thế hệ trẻ và phấn đấu vươn lên để phát triển và hội nhập thế giới.

- Thời gian gần đây, dư luận có ý kiến cho rằng, Hà Nội nên có một phố sách nhằm nâng cao hơn nữa văn hóa đọc. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Phan Lan Tú: Nâng cao và phát triển văn hóa đọc, tôn vinh sách và tri ân những người làm công tác xuất bản vẫn luôn là vấn đề khiến chúng tôi, những người làm công tác quản lý nhà nước về xuất bản trăn trở.  “Hội sách Hà Nội” lần này là một cơ hội để thể hiện những điều đó.

“Hội sách Hà Nội năm 2014” lần đầu tiên được tổ chức sẽ tạo tiền đề hội sách được tổ chức thường niên nhằm trưng bày, giới thiệu sách, các ấn phẩm của các nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị liên kết xuất bản của Hà Nội và các cơ quan Trung ương, địa phương khác trong cả nước.

Ngoài ra, kế hoạch về phố sách Tràng Tiền phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân Thủ đô vào các sáng cuối tuần cũng đang được Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xây dựng.

Các đề xuất nhằm phát triển văn hóa đọc của các đơn vị xuất bản, phát hành trên địa bàn đều được cơ quan nhà nước về xuất bản quan tâm, ghi nhận và phối hợp tổ chức.

Tôi rất tin tưởng rằng, sự quyết tâm của ngành thông tin và truyền thông Thủ đô, sự tham gia nhiệt thành của những người làm công tác xuất bản, in, phát hành sách cùng với sự hưởng ứng tích cực của bạn đọc nhất định sẽ làm nên thành công của những sân chơi văn hóa-tri thức, góp phần nâng cao văn hóa đọc và Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam  (21/4) sẽ thực sự  đi vào cuộc sống.

- Trân trọng cảm ơn bà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục