Để khơi dậy, duy trì niềm đam mê đọc sách, phát triển văn hóa đọc và để việc tổ chức ngày hội sách hàng năm ở Hà Nội được hiệu quả hơn, nhiều chuyên gia ở lĩnh vực văn hóa cho rằng: Việc tổ chức ngày hội sách nên tập trung tại một địa điểm và cần có những hoạt động thường xuyên để duy trì “sức nóng” của ngày hội sách.
Tập trung địa điểm và phân loại đối tượng
Theo quyết định 284/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày Sách Việt Nam. Năm nay, Ngày Sách Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức từ 19-21/4/2014 trên phạm vi toàn quốc; trong đó, các hoạt động chính diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh hai địa điểm cơ bản là Thư viện Quốc gia và Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nhiều hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần đầu tiên cũng được tổ chức tại các địa điểm khác tại Hà Nội như: Bảo tàng Phụ nữ, Trung tâm Văn hóa-Ngôn ngữ Đông-Tây…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, khi đã có quyết định chính thức về Ngày Sách Việt Nam thì việc tổ chức ngày hội sách nên tập trung tại một địa điểm.
“Việc tập trung các hoạt động trong một địa điểm sẽ tạo thành một không gian tổng thể để công chúng được trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau, không mất nhiều thời gian di chuyển,” ông Kiểm bày tỏ.
Có cùng quan điểm trên, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam nên được tập trung tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám vì đây là trường đại học đầu tiên của nước ta.
“Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc,” bà Thái chia sẻ.
Thêm vào đó, vị chuyên gia này cho rằng, trong những năm đầu tổ chức Ngày Sách Việt Nam, ban tổ chức nên phân loại các nhóm đối tượng đến không gian tổ chức ngày hội sách và tập trung ưu tiên trước hết đến sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Việc ưu tiên này nên được cụ thể hóa thành các hoạt động như giới thiệu các loại sách công cụ phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập; trao đổi về phương pháp đọc sách hiệu quả…
“Chúng ta vẫn nói tổ chức ngày hội sách để cứu văn hóa đọc nhưng vấn đề cụ thể là cứu như thế nào? ‘Bi kịch’ lớn nhất của người đọc là đọc không ‘vỡ’ chữ. Nếu văn hóa đọc trong sinh viên mà không được cứu thì hậu quả nhãn tiền là điều không khó để hình dung: Những thế hệ sinh viên ra trường khó có thể làm nghề một cách tử tế,” bà Thái bày tỏ.
Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: Hiện nay, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỷ lệ đọc sách trung bình của người Việt Nam là 0,8 cuốn/người/năm. Với thực trạng này, việc tổ chức ngày hội sách trong thời lượng có hạn sẽ không thể làm thay đổi được nhận thức, thói quen đọc sách của toàn xã hội.
“Bởi vậy, việc xác định nhóm đối tượng ưu tiên để có chương trình hành động phù hợp, tránh những hoạt động dàn trải như hiện nay là điều quan trọng; từ đó, tạo sức lan tỏa ra cộng đồng,” bà Thái nói.
“Để lửa cháy liên tục”
Theo ông Nguyễn Kiểm, việc ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày Sách Việt Nam là một mốc quan trọng của quá trình phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình nhận thức của xã hội về vai trò của sách và việc đọc sách.
“Đây là một tiền đề quan trọng. Tuy nhiên, để ý nghĩa này được phát huy thực sự, chúng ta cần có những hoạt động liên tục, không chỉ dừng lại ở việc tổ chức ngày hội sách hàng năm và hy vọng rằng việc làm này sẽ làm thay đổi thói quen đọc sách đang bị xao nhãng trong suốt thời gian qua,” ông Kiểm bày tỏ.
Cụ thể, ông Kiểm cho rằng, mỗi gia đình nên xây dựng tủ sách gia đình, các nhà trường nên hình thành các câu lạc bộ đọc sách đề tăng cường, tạo thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ.
“Các vị phụ huynh cần tạo cho con em mình thói quen đọc sách ngay từ nhỏ. Chúng ta không xây mới mà đang thức tỉnh lòng ham đọc sách vốn của dân tộc. Hơn nữa, điều này còn tạo cơ sở để công dân Việt Nam tham gia vào các hoạt động toàn cầu với nguồn tri thức được bổ sung liên tục,” ông Kiểm chia sẻ.
Có cùng quan điểm trên, giáo sư sử học Lê Văn Lan cũng cho rằng, việc phát triển văn hóa đọc cần phải được bồi đắp thường xuyên bên cạnh việc tổ chức ngày hội sách hàng năm như hoạt động cao điểm. “Việc duy trì được sức nóng của những ngày hội sách là yêu cầu quan trọng; không nên để điều đó như ngọn lửa bùng lên trong một vài ngày rồi lại lim dim,” vị giáo sư này chia sẻ.
Cụ thể, theo giáo sư Lê Văn Lan, Hà Nội nên có một đường phố sách được quy hoạch bài bản giống như Thành phố Hồ Chí Minh có đường sách Nguyễn Huệ, Mạc Thị Bưởi… “Hãy xây dựng đường sách như một điểm hẹn văn hóa thường xuyên với các hoạt động giao lưu, trao đổi sách,” giáo sư Lê Văn Lan bày tỏ.
Ông cho rằng, Hà Nội là “trái tim” của cả nước. Khi Hà Nội xây dựng được phong trào đọc sách rộng khắp thì sẽ có sức lan tỏa lớn tới các địa phương khác./.