Hội thảo Mạng lưới chuyên gia tư vấn chính sách ASEAN-Ấn Độ

Tại lễ khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã có bài phát biểu chào mừng.
Hội thảo Mạng lưới chuyên gia tư vấn chính sách ASEAN-Ấn Độ ảnh 1Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj chụp ảnh chung với các đại biểu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chiều 25/8, Hội thảo bàn tròn lần thứ ba "Mạng lưới chuyên gia tư vấn chính sách ASEAN-Ấn Độ"đã diễn ra tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Hà Nội).

Tại lễ khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đã có bài phát biểu chào mừng khẳng định, ASEAN và Ấn Độ đang đứng trước những cơ hội để xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ hơn trong thế kỷ 21.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, lợi ích của ASEAN và Ấn Độ ngày càng trở lên gắn kết hơn bao giờ hết. Giai đoạn 5-10 năm tới có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương giữa hai bên, nhất là khi ASEAN trở thành Cộng đồng đầy đủ và Ấn Độ là một cường quốc trên thế giới.

Nhìn lại hai thập kỷ qua, quan hệ ASEAN-Ấn Độ đã phát triển nhanh chóng từ quan hệ đối thoại theo ngành sang đối thoại toàn diện và quan hệ đối tác chiến lược (năm 2012), theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ diễn ra đúng thời điểm và phù hợp với tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập vì sự phát triển bền vững.

Hội nhập quốc tế đang trở lên sâu rộng hơn, biểu hiện qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do và những liên kết lớn. Cả ASEAN và Ấn Độ đều mong muốn một khu vực hòa bình và ổn định bởi cả hai bên đều đang hướng tới giai đoạn phát triển mới, tăng tốc thực hiện các mục tiêu cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, để quan hệ ASEAN-Ấn Độ thực sự là quan hệ đối tác chiến lược, hai bên cần ưu tiên hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm bảo đảm một cấu trúc khu vực mở, toàn diện, bền vững vì hòa bình và ổn định ở châu Á, nơi Ấn Độ là đối tác không thể thiếu của ASEAN.

Tương lai phát triển và hội nhập của ASEAN và Ấn Độ gắn liền với Biển Đông và Ấn Độ Dương. Vì thế, hợp tác giữa hai bên cần tập trung hơn nữa trong việc duy trì an toàn, an ninh và tự do hàng hải; giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982. ASEAN mong muốn Ấn Độ tiếp tục ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho rằng hai bên cần tăng cường hợp tác để ứng phó với những thách thức chung, trước hết là an ninh an toàn hàng hàng hải, chống khủng bố và an ninh mạng... Phó Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới, Phong trào không liên kết...

Lãnh đạo hai bên nhất trí, thời gian tới cần tiếp tục nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế và thương mại làm nền tảng vững chắc cho quan hệ đối tác chiến lược. Điều này có ý nghĩa quyết định để duy trì một khu vực châu Á-Thái Bình Dương là động lực cho tăng trưởng toàn cầu trên cơ sở thực hiện tốt các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ, và thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Với chủ đề ASEAN - Ấn Độ: Hội nhập và phát triển, Hội thảo "Mạng lưới chuyên gia tư vấn chính sách ASEAN - Ấn Độ" diễn ra trong ngày 26/8, hội thảo sẽ tập trung thảo luận các chủ đề hội nhập và hợp tác kinh tế; cơ sở hạ tầng kết nối và hợp tác đầu tư trong giai đoạn sắp tới giữa ASEAN và Ấn Độ.

Hội thảo là cơ hội để chuyên gia tư vấn chính sách của ASEAN và Ấn Độ trao đổi về phương hướng thúc đẩy các nội dung hợp tác cụ thể giữa Ấn Độ và ASEAN trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục