Hội thảo quốc tế về nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam

Hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế cùng các nghệ nhân đã tham dự Hội thảo ''Nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới''.
Hội thảo quốc tế về nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam ảnh 1Nghệ nhân Nguyễn Kiểm (thành phố Quy Nhơn) biểu diễn nghệ thuật Bài chòi tại Hội thảo. (Ảnh: Ly Kha/TTXVN)

Ngày 13/1, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Viện Âm nhạc (Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề ''Nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới''.

Dự hội thảo có hơn 100 đại biểu là các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý và các nghệ nhân, nghệ sỹ Bài chòi ở trong và ngoài nước.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam;tiến sỹ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

Tại khai mạc hội thảo, ông Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã phát biểu chào mừng và nhấn mạnh hội thảo này có ý nghĩa quan trọng góp phần hoàn thành đầy đủ thủ tục hồ sơ, trình UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam là Di sản phi vật thể của thế giới.

Trong lời đề dẫn hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết Hội thảo khoa học Quốc tế lần này có 22 báo cáo nghiên cứu, tham luận của các nhà nghiên cứu văn hoá về nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam và hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu đến từ các nước Pháp, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc và Lào.

Hội thảo cũng có các nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và ý kiến của các nhà lãnh đạo, quản lý đến từ 9 tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa.

Tại hội thảo có nhiều tham luận đáng chú ý như: ''Về Bài chòi chiếu'' của nghệ nhân Nguyễn Kiểm; ''Diễn xướng dân gian Hô Bài Thai ở Phú Xuân Huế'' của tác giả Huỳnh Đình Kết; ''Thai, Hô thai, Hô Bài Chòi'' của tác giả Huỳnh Ngọc Trảng; ''Nghệ thuật chơi Bài chòi ở Quảng Trị'' của tác giả Cái Thị Vượng; ''Vài nét nghệ thuật Bài chòi ở Khánh Hòa'' của tác giả Lê Văn Hoa; ''Cần nhận diện đúng thế nào là nghệ thuật Bài chòi dân gian'' của Nguyễn Thụy Loan; ''Nguồn gốc hình thành, đặc trưng trong nhạc ngữ - tiết tấu thi ca trong Bài chòi miền Trung Việt Nam'' của Trần Quang Hải; ''Những âm thanh, âm nhạc và những không gian âm thanh'' của tác giả Ebsjorn Watermark; ''Những di sản văn hóa phi vật thể Hàn Quốc tương tự như Bài chòi và tầm quan trọng của cộng đồng di sản'' của tác giả Seong –Yong Park…

Mục đích chính của hội thảo là giới thiệu đặc điểm lịch sử và văn hóa của miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa; giới thiệu nghệ thuật hô biểu diễn Bài chòi; nghệ thuật biểu diễn của anh Hiệu, chị Hiệu trong Bài chòi; âm nhạc trong nghệ thuật hô Bài chòi; các biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Bài chòi… hướng đến hoàn thành hồ sơ để trình UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam là Di sản Văn hóa thế giới.

Hội thảo diễn ra đến ngày 14/1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.