Hơn 10 triệu USD xây nhà máy nước mắm quy mô lớn nhất Ninh Thuận

Nhà máy nước mắm Ca Na là dự án có quy mô đăng ký lớn nhất tại tỉnh Ninh Thuận, với năng lực sản xuất 3,8 triệu lít/năm, vốn đầu tư hơn 10 triệu USD.

Ngày 16/4, tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy nước mắm Ca Na. Đây là dự án có quy mô đăng ký lớn nhất tại tỉnh Ninh Thuận, với năng lực sản xuất 3,8 triệu lít/năm, vốn đầu tư hơn 10 triệu USD.

Dự án nhà máy nước mắm Ca Na được xây dựng trên diện tích hơn 37.700 m2, gồm: Khối văn phòng; khối sản xuất; hệ thống công trình phụ trợ phục vụ sản xuất, phòng hộ, môi trường và đời sống sinh hoạt; hệ thống đường giao thông và các hệ thống khác; trong đó khu sản xuất là trọng tâm đầu tư của toàn bộ công trình với diện tích hơn 17.300 m2, bao gồm khu vực sản xuất chượp, xử lý nguyên liệu, chứa mắm, chế biến và kho bãi.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Miền Trung cho biết, từ nay đến năm 2020, Nhà máy nước mắm Ca Na tập trung xây dựng và sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao từ Nhật Bản, nhằm rút ngắn thời gian chế biến, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất kinh tế.

Sản phẩm nước mắm Ca Na được ứng dụng công nghệ cô đặc chân không và thanh trùng, ứng dụng công nghệ vi sinh vào chế biến, tạo ra các dòng sản phẩm chất lượng cao với độ đảm từ 15 đến 60 độ đạm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 5107:2005) và tiêu chuẩn quốc tế Codex.

Theo chủ đầu tư dự án, sau khi hoàn thiện các nhà máy chế biến vệ tinh, kết hợp với các cơ sở sản xuất địa phương, quy mô nhà máy Ca Na sẽ mở rộng sản xuất lên hơn 20 triệu lít/năm. Doanh thu đến năm 2020 sẽ vào khoảng 400 tỷ đồng, đồng thời tăng bình quân khoảng từ 15-20% cho các năm tiếp theo khi nhà máy đạt 100% công suất theo thiết kế.

Mục tiêu đến năm 2022, sản phẩm của nhà máy sẽ chiếm từ 1 - 3% thị phần trong nước và hướng ra xuất khẩu. Chủ đầu tư dự án cho biết, vốn đầu tư cho giai đoạn đầu của nhà máy là 4,5 triệu USD và dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào tháng 4/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.