Bài 2: Tương, cà, mắm, muối Việt đi từ góc bếp tới nhà xưởng ra sao?

Nếu như Hàn Quốc nổi tiếng với kim chi, vậy những món ăn truyền thống như dưa, cà, tương ớt, Việt Nam đứng ở đâu trong bản đồ ẩm thực thế giới?
Bài 2: Tương, cà, mắm, muối Việt đi từ góc bếp tới nhà xưởng ra sao? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Vượt ra khỏi căn bếp nhỏ của mỗi gia đình, những món ăn truyền thống của Việt Nam đã đi xa hơn thế rất nhiều và tất nhiên không chỉ trong giới hạn mảnh đất hình chữ S.

Ngoài sự gắn bó của người Việt Nam, với những món không thể dân dã hơn là tương, cà, mắm, muối, chính những bước chân của các doanh nghiệp đã đẩy những món ăn, gia vị nơi góc bếp thành một nền công nghiệp có thu nhập triệu USD.

Con đường ấy một thời và có lẽ cả hiện tại đều có bóng dáng lớn của những doanh nghiệp nội. Thế nhưng, đằng sau những bóng hình ấy, những nỗi lo về một thời kỳ mới cũng kèm theo không ít những ám ảnh.

Doanh nghiệp nội chiếm ưu thế nhưng…

Một thống kê ​gần đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, thị trường gia vị, nước chấm của Việt Nam sẽ tăng trưởng bình quân từ 25 - 32%. Tốc độ này thậm chí có thể kéo dài nhiều năm nữa.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành bán lẻ tính toán, riêng với thị trường nước chấm, tương ớt, cuộc chơi đang thuộc về một vài tên tuổi lớn như Masan Consumer (thuộc Tập đoàn Masan), Cholimex Food, Trung Thành, Nam Dương,... Trong số này, Masan Consumer “ngoạm” gần một nửa miếng bánh trong mảng tương ớt, tương cà, đứng vị trí thứ hai là Cholimex Food; còn lại là Trung Thành và một vài doanh nghiệp nhỏ và vừa khác.

[Tương ớt Sriracha của Mỹ thử vận may trên thị trường Việt Nam]

Nói những điều trên để thấy, thị trường tương ớt, nước chấm và những món gia vị truyền thống của Việt Nam đang có sức hấp dẫn lớn tới mức nào và doanh nghiệp nội may mắn, vẫn đang chiếm ưu thế.

Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty sản xuất và thương mại P.L Hà Nội cho rằng, ưu thế này không phải là mãi mãi mà phụ thuộc vào khu vực, thị trường, đặc biệt là khi đang có nhiều thương hiệu ngoại tràn về Việt Nam.

Ông Thanh lấy ví dụ về trường hợp tương ớt Sriracha của một Việt kiều Mỹ đã lên kệ tại không ít cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và đang có xu hướng mở rộng thêm nhiều thành phố khác với tốc độ khá nhanh.

[Những món ăn quốc hồn Việt Nam đi vào thế giới phẳng]

Thực tế này, theo ông, đã vén lên điểm yếu là khâu tổ chức thị trường và tạo lập kênh phân phối của các doanh nghiệp nội. Vị này khẳng định, trong khi nhiều doanh nghiệp nội vẫn còn nặng về việc tổ chức sản xuất sau đó mới tìm hiểu nghiên cứu thị trường thì doanh nghiệp nước ngoài nghiên cứu thị trường rất sâu. Đặc biệt, các đơn vị nước ngoài biết cách đầu tư nhiều cho thị trường và lấy thị trường là thước đo trước cũng như lấy nhu cầu thị trường làm cơ sở dữ liệu để tổ chức sản xuất.

“Đơn cử như một số sản phẩm nước mắm truyền thống khi ra thị trường, nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao sản phẩm này có độ mặn cao. Nếu chúng ta dự đoán trước thị trường sẽ lên tiếng như vậy thì khâu làm thị trường cần phải có những thông tin truyền tải về sự khác biệt của sản phẩm này. Như vậy, sản phẩm đưa ra mới được thị trường chấp nhận dễ dàng hơn, thay vì ra sản phẩm rồi và gặp phải sự phản ứng của khách hàng mới tiến hành xử lý,” ông Thanh nói.

Trong khi ấy, ông so sánh, doanh nghiệp làm thương mại nước ngoài khi làm thị trường thường đã biết trước các tình huống người tiêu dùng sẽ hỏi vấn đề gì và trước đó, doanh nghiệp sẽ trả lời hết các câu hỏi đó bằng những biện pháp khác nhau.

Bài 2: Tương, cà, mắm, muối Việt đi từ góc bếp tới nhà xưởng ra sao? ảnh 2Tương ớt Sriracha đã tới Việt Nam mang theo không ít lo lắng cho doanh nghiệp Việt. (Ảnh: Reuters)

Mọi thứ sẽ đảo ngược?

Một khía cạnh khác, ông Thanh khẳng định, nhiều sản phẩm nhập khẩu chưa chắc đã ngon bằng trong nước nhưng tâm lý sính ngoại đã khiến người dùng có xu hướng chọn những sản phẩm nước ngoài. Điều này theo ông cũng là một trong những nguy cơ khiến các doanh nghiệp không thể không “dè chừng.”

Từ những kinh nghiệm lặn lội nhiều năm trên thường trường, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nafoods Group chia sẻ câu chuyện, mỗi lần đi vào hội chợ nước ngoài, các gian hàng của nước bạn như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc thường được chuẩn bị hoành tráng và có sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nội ra nước ngoài thường là tự đi, khâu làm hình ảnh thì còn yếu, mỗi người một màu sắc, thiếu nổi bật.

[Chuyện tương ớt: Chính ta tự hại ta trong phát triển hàng Việt]

Từ đó, ông Hùng đặt ra vấn đề lớn về việc xây dựng hình ảnh quốc gia với từng ngành hàng. Theo đó, muốn tồn tại và không ngừng phát triển, bản thân các doanh nghiệp trong ngành hàng phải giữ được lời hứa của mình về cam kết chất lượng sản phẩm và uy tín khi tham gia thị trường.

Từ những câu chuyện ấy, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cảnh báo việc thị phần của các doanh nghiệp trong nước có thể sẽ không giữ được vị thế bao trùm thị trường như hiện tại.

Điều này theo ông là đương nhiên khi “người ta ăn tương ớt ngoại thì Trung Thành sẽ phải giảm 1 phần.” Ông dự đoán, với riêng tương ớt, thị phần của các doanh nghiệp dù lớn, dù bé sẽ không được như hiện tại.

Bài học trước đó, theo ông, chính là những sản phẩm nước mắm truyền thống. Trước đây, những sản phẩm này chiếm tới 70% thị trường nhưng hiện tại, mọi thứ đã đảo ngược khi nước mắm công nghiệp nắm lại con số 70% thị trường này.

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất đang đứng trước nỗi lo mất thị phần thì theo ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc công ty sản xuất và thương mại P.L Hà Nội, các làng nghề truyền thống cũng khó thành công. Thực tế, nguồn nguyên liệu và những lợi thế về mặt tự nhiên sẽ dần giảm đi theo thời gian và xu hướng đô thị hóa.

“Do vậy nếu không có chiến lược và đặt chất lượng lên hàng đầu thì lâu dần những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống sẽ thu hẹp và mất dần,” ông Thanh nói.

Và cũng bởi thế, những sản phẩm vốn nổi tiếng là truyền thống của Việt Nam sẽ đi đâu, về đâu, khi mà nhu cầu người dùng ngày một lớn và bàn tay của những thương hiệu ngoại vẫn vươn tới người dùng ngày một gần./.

Bài 3: Chuyện tương ớt: “Chính ta tự hại ta trong phát triển hàng Việt?”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bánh dầy Quán Gánh

Bánh dầy Quán Gánh

Làng nghề bánh dầy Quán Gánh tại thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội, có từ lâu đời được người dân nhiều đời gìn giữ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)