Hơn 14 tỷ tin nhắn gửi về khuyến cáo phòng chống dịch bệnh COVID-19

Trong năm qua, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện việc khai báo y tế điện tử, ứng dụng truy vết phát hiện bệnh COVID-19.
Những tin nhắn về khuyến cáo phòng chống dịch bệnh được gửi đến người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong năm vừa qua, với những bứt phá trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, có hơn 14 tỷ tin nhắn liên quan đến công tác khuyến cáo phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã được gửi đến người dân trên toàn quốc.

Đây là những tin nhắn để khuyến cáo người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch được các doanh nghiệp miễn phí được triển khai trên các nền tảng đã mang lại hiệu quả cao.

[Người tiên phong về các kỹ thuật phẫu thuật nội soi tại Việt Nam]

Tiến sỹ Trần Quý Tường-Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết như vậy tại cuộc họp báo thông tin về Chương trình chuyển đổi số y tế Quốc gia 2020 diễn ra ngày 24/12.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện việc khai báo y tế điện tử, ứng dụng truy vết phát hiện bệnh COVID-19. Ứng dụng này được triển khai ngay trong đêm 30 Tết âm lịch năm ngoái.

Việc khai báo y tế điện tử giúp truy vết nhanh các đối tượng liên quan để khoanh vùng dập dịch hiệu quả. Ngành y tế cũng đang hoàn thiện bản đồ về an toàn COVID-19.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở tuyến y tế cơ sở trên toàn quốc là điều kiện để người dân vùng sâu, vùng xa được quản lý, theo dõi và chăm sóc sức khoẻ tốt hơn. Ngành y tế hướng tới xây dựng trạm y tế xã có phần mềm quản lý tổng thể theo dõi sức khoẻ cho người dân.

Theo tiến sỹ Tường, trong năm qua, ngành y tế đã triển khai thống kê y tế điện tử, bắt đầu từ y tế tuyến cơ sở, huyện, tỉnh. Đến nay, đã có 36 tỉnh thành thực hiện thống kê, báo cáo số liệu thông qua thống kê điện tử. Năm 2021, ngành y tế sẽ đẩy mạnh viện thống kê điện tử hết tại 63 tỉnh, thành phố.

Cũng trong năm qua, Đề án Khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) được ngành y tế triển khai với 1.300 cơ sở kết nối trong hệ thống Telehealth, không phân biệt vùng miền, nếu có mạng, y tế cơ sở các địa phương có thể kết nối tư vấn với bác sỹ ở tuyến trung ương. Đây là những bước để dần “san phẳng” khoảng cách, trình độ y tế giữa các vùng miền.

Tiến sỹ Hà Anh Đức-Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho hay Chương trình chuyển đổi số y tế Quốc gia 2020 (Ehealth Vietnam Summit) diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngày 29-30/12/2020 do Văn phòng Chính phủ và Bộ y tế đồng chủ trì. Chương trình nhằm tổng kết Việt Nam năm 2020, đạt mục tiêu kép chống dịch COVID-19 và giữ được tăng trưởng kinh tế.

Trong năm 2020, Việt Nam đã tận dụng tối ưu các thành tựu về ứng dụng công nghệ thông tin, huy động nguồn lực xã hội, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, bối cảnh COVID-19.

Tiến sỹ Trần Quý Tường-Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Triển khai Chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Với lĩnh vực y tế, Chính phủ đã ghi nhận sự tham gia tích cực của ngành y tế trong tiến trình thực hiện Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Chương trình chuyển đổi số y tế Quốc gia năm 2020 bao gồm các nội dung: Diễn đàn cấp cao có lãnh đạo Chính phủ chủ trì; Vinh danh đơn vị tiên phong chuyển đổi số y tế; Cuộc thi khởi nghiệp y tế thông minh; Chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ; Chuyển đổi số trong lĩnh vực khám chữa bệnh và quản trị y tế; Xu hướng chuyển đổi số lĩnh vực y tế thu hút đầu tư công nghệ cao; Ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống y tế quốc gia; Kinh nghiệm chuyển đổi số y tế quốc tế và bài học cho Việt Nam; Vai trò của truyền thông và người dân trong đẩy nhanh chuyển đổi số y tế…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục