Hơn 20 nghệ sỹ quy tụ trong vở cải lương 'Giấc mộng đêm Xuân'

Vở “Giấc mộng đêm Xuân” tái hiện lại hành trình gian nan, vất vả của người nghệ sỹ trong những thập niên đầu thế kỷ trước, khi định kiến xã hội vẫn còn rất khắt khe đối với những người theo nghề hát.
Hơn 20 nghệ sỹ quy tụ trong vở cải lương 'Giấc mộng đêm Xuân' ảnh 1Trích đoạn vở cải lương “Giấc mộng đêm xuân”. (Ảnh: Gia Thuận/TTXVN)

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương (1918-2018), tối 20/12, tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang giới thiệu đến đông đảo khán giả thành phố vở cải lương“Giấc mộng đêm Xuân.”

Vở “Giấc mộng đêm Xuân” của tác giả Nhị Kiều-Phi Hùng dưới sự dàn dựng của đạo diễn, nghệ sỹ nhân dân Trần Ngọc Giàu; biên tập Phạm Văn Đằng; quy tụ hơn 20 nghệ sỹ, diễn viên cải lương chuyên nghiệp như nghệ sỹ ưu tú Tấn Giao, nghệ sỹ ưu tú Thanh Ngân, nghệ sỹ ưu tú Lê Tứ…

Vở diễn tái hiện lại hành trình gian nan, vất vả của người nghệ sỹ trong những thập niên đầu thế kỷ trước, khi định kiến xã hội vẫn còn rất khắt khe đối với những người theo nghề hát.

Dù vậy, bằng niềm đam mê nghệ thuật mãnh liệt và khát vọng vươn đến những giá trị “chân, thiện, mỹ” của nghệ thuật chân chính. Họ đã vượt qua mọi gian khó để giữ gìn và góp phần lan tỏa loại hình nghệ thuật đầy tính nhân văn với tên gọi “cải lương” đến mọi tầng lớp nhân dân.

[Khai mạc triển lãm-biểu diễn kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương]

Phát biểu tại chương trình, nghệ sỹ nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ niềm xúc động và lòng tri ân đối với các thế hệ khán giả đã hết lòng yêu mến bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương.

Trải qua một thế kỷ hình thành và phát triển, cùng với nhiều thăng trầm, khó khăn, song cải lương vẫn âm thầm phát triển và ngày càng khẳng định ý nghĩa, vị thế của mình là một bộ môn nghệ thuật được xem là tài sản nghệ thuật quý giá, là một “món ăn” tinh thần không thể thiếu, không chỉ với người dân miền Nam mà với nhân dân cả nước.

Nghệ sỹ nhân dân Trần Ngọc Giàu chia sẻ, trong quá trình dàn dựng vở diễn, các nghệ sỹ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã nỗ lực hóa thân vào từng nhân vật, từng số phận nhằm mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khi thưởng thức vở diễn.

Qua vở diễn, với những điều tưởng chừng đã cũ, những người sáng tạo vở diễn muốn gửi gắm đến khán giả khát vọng giữ gìn những điều giản dị, chân phương nhưng hết sức sâu sắc của nghệ thuật cải lương, để cải lương mãi mãi là “tiếng lòng” của người dân Nam bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục