Những năm qua, qua công tác vận động hiến mô tạng được đẩy mạnh, số người đăng ký hiến ghép tạng đã tăng nhanh.
Năm 2014, cả nước mới chỉ có 265 người tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết và chết não; năm 2015 đã tăng lên 2.000 người và đến nay có gần 21.000 người trong cả nước đã đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết và chết não.
[Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công chia gan ghép cho 2 người]
Thông tin trên được giáo sư Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cho biết tại hội thảo quốc tế về điều phối ghép tạng, diễn ra sáng 18/3 tại Hà Nội.
“Mặc dù Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn tạng để ghép cho bệnh nhân. Hầu như ngày nào tại các bệnh viện cũng có hàng chục bệnh nhân chết não nhưng số trường hợp hiến tạng còn rất ít. Trong khi đó việc kết nối thông tin giữa các trung tâm ghép tạng chưa đáp ứng yêu cầu,” giáo sư Sơn cho hay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, những kinh nghiệm của các chuyên gia ghép tạng đến từ nước Mỹ chia sẻ tại hội thảo sẽ góp phần giúp Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia học hỏi để hoàn thiện mô hình tốt nhất.
Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, hiện nay 19 trung tâm ghép tạng, nhưng việc kết nối thông tin chưa hiện đại. Ở các nước phát triển như Mỹ, phần mềm kết nối của họ giúp tra cứu, kết nối thông tin nhanh.
“Chúng ta cần tiến tới hiện đại như thế để có thể điều phối ghép tạng được nhanh hơn và có hiệu quả hơn. Tiến tới kết nối với các trung tâm ghép tạng lớn trong khu vực,” giáo sư Tiến cho hay.
Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế cho biết cần giải quyết những bất cập trong công tác điều phối ghép tạng ở Việt Nam để có thể hướng tới kết nối với các trung tâm ghép tạng lớn trong khu vực.
Theo số liệu thống kê, đến nay cả nước đã thực hiện được gần 3.700 ca ghép tạng, trong đó có hơn 3500 ca ghép thận, 150 ca ghép gan và 28 ca ghép tim./.