Theo Ban quản lý Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, từ đầu tháng Chín đến nay, khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã đón khoảng 320.000 lượt du khách.
Trong đó, dịp diễn ra Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2016, ước có trên 100.000 lượt du khách về trẩy hội.
Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2016 diễn ra từ ngày 10-20/9 tưởng niệm 716 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1300-2016), tưởng niệm 574 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, tôn vinh công đức to lớn của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm trong sự nghiệp thống nhất tôn giáo, bảo vệ Tổ quốc.
Lễ hội kéo dài trong nhiều ngày, bên cạnh các nghi lễ, tại khu di tích có nhiều hoạt động đặc sắc như giải đua thuyền chải, liên hoan diễn xướng dân gian, trình diễn múa rối nước, lễ hội quân trên sông Lục Đầu, Lễ cầu an và hội hoa đăng…
Hầu hết du khách đến với lễ hội năm nay đều đánh giá công tác tổ chức lễ hội đã được địa phương tổ chức ngày càng chất lượng hơn.
Trong ngày khai hội, một du khách ở Gia Lâm, Hà Nội phấn khởi cho biết: “Nhiều năm nay, thường xuyên đi lễ hội mùa thu Kiếp Bạc, tôi thấy mấy năm gần đây, lễ hội đã có nhiều đổi mới, cảnh quan các di tích ngày càng khang trang. Hiện tượng ăn xin, ăn mày và dịch vụ đổi tiền lẻ đã giảm rất nhiều, không có chuyện hàng quán chèo kéo du khách.”
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hình ảnh chưa đẹp tại lễ hội như tình trạng du khách vứt rác không đúng nơi quy định, nhiều người dân ùa lên cướp lộc trong lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu tại bến sông Vạn Kiếp, trước đền Kiếp Bạc gây cảnh hỗn loạn... Điều này đã làm xấu đi hình ảnh lễ hội và ảnh hưởng đến sự trang nghiêm trong quá trình thực hiện lễ cầu an.
Thiết nghĩ, để việc tổ chức lễ hội được văn minh, không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào Ban tổ chức, vào chính quyền địa phương mà mỗi người dân khi trẩy hội cần có những hiểu biết đầy đủ về các nghi lễ để có những ứng xử phù hợp./.