Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 1% dân số, tương đương với 1 triệu người mắc tự kỷ. Những người mắc chứng tự kỷ khó khăn về nhiều mặt như giao tiếp, nhận thức… và đang ngày càng là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Các phương pháp điều trị tự kỷ hiện nay thường tập trung vào trị liệu tâm lý, giáo dục… với thời gian kéo dài.
[Bé trai có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ cao hơn 5 lần so với bé gái]
Thực tế cho thấy có nhiều trung tâm thông tin quảng cáo về việc đào tạo trẻ tự kỷ thành… thiên tài khiến khá nhiều phụ huynh tin tưởng và gửi gắm con vào những cơ sở như vậy.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Thanh Liêm-Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec để hiểu rõ hơn về những vấn đề trên.
- Thưa giáo sư, gần đây có trung tâm quảng cáo, giới thiệu vớicam kết đào tạo trẻ tự kỷ thành thiên tài. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: Cho đến nay, chưa có một phương pháp nào chữa khỏi hẳn được bệnh tự kỷ. Tất cả phương pháp điều trị hiện nay đều nhằm đến mục đích giúp cho trẻ tự kỷ có được kỹ năng sống cần thiết nhất.
Hiện nay, có một vài tài năng xuất chúng mà chúng ta gọi là tự kỷ, nhưng những người đó ở dạng bệnh nhẹ và thường ở thể tự kỷ chức năng cao Asperger-những người có năng khiếu rất đặc biệt. Nhưng đây là số rất ít.
Bởi vậy, nên việc có trung tâm nào đó định huấn luyện nhiều trẻ tự kỷ thành thiên tài là câu chuyện hoang đường. Chúng ta chỉ có thể giúp cho các cháu có được kỹ năng sống cần thiết nhất để sống độc lập hoặc tốt hơn là học được một nghề đơn giản để kiếm sống.
- Gần đây, cũng nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng hơn về việc nếu phát hiện đột biến gene ở trẻ tự kỷ sẽ thêm nhiều khó khăn và thách thức trong việc hòa nhập cũng như cải thiện bệnh. Xin giáo sư giải thích rõ hơn về vấn đề này?
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: Đột biến gene ở trẻ tự kỷ có 2 ý nghĩa. Thứ nhất, cũng như nhiều nhà khoa học trên thế giới đã từng đề cập, trẻ tự kỷ có một tỷ lệ nhất định (khoảng 20-30%) là đột biến gene. Nghiên cứu “Xác định đột biến gen trên trẻ tự kỷ ở Việt Nam” của chúng tôi cũng khẳng định điều này.
Thứ hai là nhiều người vẫn nghĩ nếu đã đột biến gene thì khả năng học tập, khả năng đáp ứng với điều trị, mức độ nặng của trẻ tự kỷ sẽ tăng lên nhiều, khác rất nhiều so với trẻ không đột biến gene. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của chúng tôi thấy chỉ có một trường hợp trẻ có đột biến nhiều gene, nhiều nhiễm sắc thể. Như vậy, mức độ tự kỷ rất nặng và đáp ứng với điều trị rất kém.
Trong nghiên cứu, còn 7 trẻ khác mức độ tự kỷ cũng không khác so với trẻ đột biến gene và việc đáp ứng với điều trị bằng giáo dục can thiệp kết hợp với ghép tế bào gốc không khác gì với trẻ không có đột biến gene.
- Xin giáo sư giải thích rõ hơn về vấn đề này?
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: Ở nhóm trẻ tự kỷ có đột biến gene và nhóm không có đột biến gene, chúng tôi không thấy có sự khác biệt về những tiến bộ sau khi điều trị. Tất nhiên, số liệu chưa đủ lớn, nhưng bước đầu cho chúng ta thấy có đột biến gene nhưng không có nghĩa là khả năng tiến bộ của trẻ tự kỷ bị hạn chế so với những trẻ không đột biến gene. Đây là điều mà trước đây chúng ta lo lắng nhất.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm nói về việc huấn luyện nhiều trẻ tự kỷ thành thiên tài là câu chuyện hoang đường:
Nhiều người cứ nghĩ nếu có đột biến gene thì những trẻ này không có khả năng đáp ứng cũng như học tập… Nhưng với kết quả ban đầu này chúng ta có thể thấy trẻ tự kỷ có đột biến gene cũng giống như nhiều các bệnh nhân khác, không hẳn đã là có bệnh.
Như vậy, điều đó có nghĩa là các trẻ tự kỷ có thể có đột biến gene, nhưng nếu có cũng không có ý nghĩa về mặt điều trị cho nên các vị phụ huynh không nên quá lo lắng xem mình có đột biến gene hay không đột biến gene...
Các bậc phụ huynh cứ yên tâm rằng việc đột biến gen không ảnh hưởng nhiều mà quan trọng nhất là mọi người phải đưa trẻ tự kỷ đến các trung tâm can thiệp uy tín, có chất lượng, can thiệp càng sớm càng tốt.
Một cánh cửa mới cho trẻ mắc chứng tự kỷ
- Thời gian qua, giáo sư và những người cộng sự đã nghiên cứu bước đầu về hiệu quả điều trị tự kỷ sau ghép tế bào gốc. Kết quả của những trẻ điều trị bằng ghép tế bào gốc kết hợp trị liệu như thế nào thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: Có thể nói là rất vui mừng, kết quả điều trị bằng ghép tế bào gốc phối hợp với can thiệp giáo dục lúc đầu chúng tôi cũng không mong đợi mang lại kết quả tốt như vậy. Bởi vì nhóm bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu này đều là những bệnh nhân nặng, rất nặng. Đây là những bệnh nhân đã trải qua nhiều năm, đi rất nhiều trung tâm với nhiều biện pháp can thiệp như châm cứu, ôxy, cao áp…
Chúng tôi cũng rất lo lắng có thể kết quả không được như mong muốn, nhưng đáng mừng là kết quả ghép tế bào gốc cùng với can thiệp, giáo dục ở trẻ tự kỷ mang lại nhiều tiến bộ cho trẻ tự kỷ. Vì vậy chúng tôi tin rằng nó sẽ mở ra một hy vọng, một cánh cửa mới cho trẻ mắc chứng tự kỷ.
Trân trọng cảm ơn giáo sư!