Huế: Rộn rã tiếng chim chào mào líu lo trong Thành nội

Sáng nào ngôi nhà làm việc của Thượng thư Bộ học triều Nguyễn cũng rộn rã tiếng chim chào mào hót líu lo và ngạt ngào mùi càphê thơm nức.

Sáng nào ngôi nhà làm việc của Thượng thư Bộ học triều Nguyễn, nay là không gian văn hóa Lục bộ, nằm ngay trong Thành Nội, ở số 79 đường Nguyễn Chí Diễu, thành phố Huế, cũng rộn rã tiếng chim chào mào hót líu lo và ngạt ngào mùi càphê thơm nức.

Trong không gian văn hóa tao nhã và ấm cúng ấy, dân ghiền chơi chim chào mào đất cố đô như quên hết sự đời, đắm đuối với tiếng chim xôn xao trong từng kẽ lá và nụ cười có duyên của cô chủ quán biết khéo chiều lòng khách...

Ngày xưa, Huế là đất kinh kỳ nên từ trong triều nội cho đến ngoài hạng thứ dân đều có nhiều trò tiêu khiển rất độc đáo và đa phần đều tao nhã như cầm, kỳ, thi, họa, chim, hoa, diều, cá... Trong mấy thứ ấy, chơi chim xem ra là trò có ảnh hưởng rộng khắp hơn cả, bởi vua quan cũng ham mà hạng thứ dân cũng say như điếu đổ, có khác chăng chỉ phân biệt nhau ở chiếc lồng son hay lồng nứa mà thôi.

Lại nói về các giống chim, chào mào là loài được người Huế yêu hơn cả. Nghĩ cũng lạ, chào mào nào phải giống chim cao sang quý hiếm gì cho cam, suy cho cùng thì nó cũng là giống chim bình dân, rẻ tiền như con sẻ, con chèo bẻo, con chích chòe... Thậm chí có năm người ta thấy chào mào bay thành đàn, sà xuống kiếm ăn đầy trên các mái nhà, cây rơm, gốc rạ. Ấy thế mà nó lại khiến cho người chơi đắm đuối, đê mê tìm cách săn lùng, thuần dưỡng và nuôi dạy đủ trò để cốt phục vụ cho cái thú vui tiêu khiển của mình.

Hóa ra dân Huế thích chào mào bởi lẽ cái giống chim này dễ nuôi, đưa vào lồng thuần hóa một thời gian sẽ lột mã đẹp không chê vào đâu được.

Huế: Rộn rã tiếng chim chào mào líu lo trong Thành nội ảnh 1Dường như đã thành lệ, sáng nào cô chủ quán càphê không gian văn hóa Lục bộ cũng dịu dàng trong tà áo tím Huế chuẩn bị những ly càphê thơm nức để phục vụ cuộc vui của cánh chơi chim. (Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam)
Huế: Rộn rã tiếng chim chào mào líu lo trong Thành nội ảnh 2Đến Huế được nghe tiếng chim chào mào hót líu lo và thưởng thức cà phê sáng trong ngôi nhà làm việccủa quan Thượng thư Bộ học triều Nguyễn là một trải nghiệm rất thú vị.
Huế: Rộn rã tiếng chim chào mào líu lo trong Thành nội ảnh 3Những chiếc lồng chim chào mào lần lượt được treo lên trong nắng sớm.
Huế: Rộn rã tiếng chim chào mào líu lo trong Thành nội ảnh 4Vườn cây kiểng xanh tươi và những bức trướng giới thiệu về các bộ của triều đình Huế tạo thành điểm nhấn riêngcho không gian sinh hoạt của câu lạc bộ chim chào mào Lục bộ.
Huế: Rộn rã tiếng chim chào mào líu lo trong Thành nội ảnh 5Dân chơi chào mào đa phần là giới trẻ, họ làm nhiều nghề khác nhau, có thể là dân văn phòng, kỹ sư, bác sĩ, thợ sửa xe máy, chạy xích lô... nhưng tất cả đều gắn bó, hòa đồng và vui vẻ với nhau vì có cùng sở thích và đam mê.
Huế: Rộn rã tiếng chim chào mào líu lo trong Thành nội ảnh 6Những chiếc lồng chim được phủ vải điều để vừa làm đẹp, vừa che chắn bảo vệ cho chim trên đường đi.
Huế: Rộn rã tiếng chim chào mào líu lo trong Thành nội ảnh 7Chiếc lồng chim chào mào treo bên khung cửa sổ là hình ảnh rất quen thuộc trong không gian các ngôi nhà ở Huế.
Huế: Rộn rã tiếng chim chào mào líu lo trong Thành nội ảnh 8Chơi chào mào là một thú vui tao nhã có từ lâu đời của người dân xứ Huế. 
Huế: Rộn rã tiếng chim chào mào líu lo trong Thành nội ảnh 9Vẻ đẹp kiêu hãnh của một chú chào mào Huế trong chiếc lồng được thiết kế rất tinh xảo.

Chào mào ở đâu cũng có nhưng chào mào Huế được giới sành chim đánh giá cao hơn cả vì chim to, dáng đẹp, lông mượt, tướng hùng, siêng hót mà hót rất hay, giọng líu lo, thánh thót liên hồi. Chim bình thường có giá vài triệu đến vài chục triệu một con, cá biệt có con thuộc dòng chào mào Kim Phụng quý hiếm của Huế có giá lên đến cả trăm triệu đồng.

Chào mào đẹp nhờ có cái tướng tứ quý gồm “lưng nâu, bụng trắng, má đỏ, mào đen,” thêm vào đó giọng hót và điệu bộ của chúng cũng thú vị vô cùng. Cứ nhìn vào cách một chú chào mào khoe dáng trong lồng cũng đủ thấy cái tính khí kỳ lạ của loài chim này. Có lúc chúng đứng im nhẹ nhàng ngó nghiêng cái đầu trông như anh chàng thư sinh lễ phép, có lúc lại điệu đà khoe cánh, khoe lông như anh chàng đỏm dáng, lại có lúc nhảy nhót lanh chanh, nhí nhảnh như trẻ lên ba, và cũng có lúc chúng xù lông, dựng mào, bạnh má trông rất dữ tướng...

Phong trào chơi chim chào mào ở Huế đang ngày một nở rộ, nhiều câu lạc bộ chào mào ra đời để làm nơi giao lưu trao đổi kinh nghiệm và thú chơi. Câu lạc bộ chào mào không gian văn hóa Lục bộ là một trong những câu lạc bộ chơi chào mào lớn ở Huế, quy tụ chừng hơn 100 tay chơi chim có hạng, đa phần là dân sống ở mạn bờ Bắc sông Hương.

Sáng nào cũng vậy, bất kể mưa nắng, gió rét, câu lạc bộ vẫn hoạt động đều đặn. Vào những hôm đẹp trời anh em giưới chơi chim tụ họp rất đông, lồng chim treo san sát thành dãy dài cả trăm chiếc. Dường như đã thành cái thú không thể bỏ, nhiều người sáng nào cũng đến đây thật sớm để sửa soạn lồng chim, cho chim ăn, chọn nơi treo lồng rồi ngồi chờ bạn hữu đến giao lưu...

Tầm 7-9 giờ sáng là lúc đông vui nhất. Cả trăm con người vừa ngồi thưởng thức càphê vừa chăm chú hướng mặt lên dãy lồng chim treo trước hiên nhà Lục bộ để xem và bình phẩm về dáng chim, giọng chim... Mỗi người một ý, già trẻ lớn bé đều có thể trao đổi với nhau rất sôi nổi nhưng nhẹ nhàng, lễ phép và vui vẻ chứ không ồn ào, chộn rộn như cảnh thường thấy ở mấy quán bia, sới bạc, ổ chọi gà.

Thế mới thấy, giữa cuộc sống vốn đầy rẫy nhiều trò vui cám dỗ nhưng dân Huế vẫn giữ cho mình những thú vui riêng vừa thể hiện được cái cốt cách nhẹ nhàng, trầm lắm nhưng cũng lắm công phu và giàu tính lễ nghi, phép tắc của người cố đô, trong đó có thú chơi chào mào tao nhã./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục