Trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, nhiều làng nghề dệt lụa truyền thống đã phải tìm ra cho mình một lối đi riêng để tồn tại và phát triển. Vạn Phúc là một trong những làng nghề đã thành công trong việc tìm hướng đi mới là bảo tồn nghề và gắn kết với phát triển du lịch.
Theo thần phả làng Vạn Phúc còn lưu giữ tại viện Hán Nôm có ghi rằng: Vào giữa Thế kỷ 9, bà Ả Lã Đê Nương (niên hiệu sắc phong Nga Hoàng Đệ Nhị Vương Phi) đi du ngoạn qua đất Vạn Bảo, thấy nơi đây sông núi uốn khúc, nhân dân thuần hậu, bà bèn ở lại dạy dân chúng cấy cày, trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Sau khi bà mất, dân làng đã tôn bà là Thành Hoàng làng.
Làng Vạn Phúc xưa còn có tên gọi là Trang Vạn Bảo thuộc xã Thượng Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Nam Sơn. Cuối thế kỷ 19, do kiêng húy tên vua Thành Thái (1889 - 1906) là Bảo Lân nên mới đổi tên gọi thành làng Vạn Phúc.
Lụa Vạn Phúc thời phong kiến là một vật phẩm tiến vua và được chọn mang đi dự hội đấu xảo tại Marseille và Pari (Pháp) giành nhiều huy chương thời Pháp thuộc.
Năm 2010, làng lụa Vạn Phúc được Thành phố Hà Nội quy hoạch và đầu tư xây dựng thành làng nghề du lịch trọng điểm của Thủ đô. Nhờ đó, cổng Tam quan bề thế được xây dựng đón chào du khách, các biển hiệu bằng tiếng nước ngoài, khu giới thiệu các công đoạn làm nên tấm lụa Vạn Phúc cũng được ghi đầy đủ để quảng bá đến du khách...
Với diện mạo mới nhưng lụa Vạn Phúc không mất đi giá trị vốn có của sản phẩm đó là mềm mịn, óng ả, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Các hoa văn trang trí trên lụa rất đối xứng, đường nét luôn mềm mại. Lụa Vạn Phúc nổi tiếng gần xa với sản phẩm lụa “hoa ban” do nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh thiết kế.
Nhiều người vẫn còn nhớ tấm lụa ấn tượng trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội Nội mang tên “Lụa Vân ngàn năm Thăng Long” do chị Nguyễn Thị Tâm – con dâu nghệ nhân Triệu Văn Mão thiết kế.
Điểm nhấn của tấm lụa là hai con Rồng chầu vào Khuê Văn Các trên nền triện cổ có chữ thọ đối xứng đã gây ấn tượng cho du khách bởi sự tài hoa, khéo léo của nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc.
Giờ đây, về Vạn Phúc du khách không chỉ mua được sản phẩm lụa tơ tằm chính hiệu mà còn được thăm quan các cơ sở sản xuất tìm hiểu về quy trình sản xuất ra sản phẩm, trò truyện cùng các nghệ nhân. Đây cũng là nét độc đáo nhằm giới thiệu và quảng bá của lụa Vạn Phúc - Làng nghề hơn 1000 năm tuổi đến với công chúng trong và ngoài nước./.