Sau một năm mở cửa nền kinh tế xanh với kết quả chưa như kỳ vọng, ngay trong quý I, lãnh đạo các bộ, ngành đã đưa ra các giải pháp cùng nhau vực dậy ngành công nghiệp không khói giai đoạn mới, đặc biệt tập trung vào việc làm thế nào để thu hút khách ngoại đến Việt Nam.
Từ kinh nghiệm quốc tế
Các chuyên gia của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định về xu thế ngắn hạn, du lịch quốc tế sẽ phục hồi mạnh mẽ. Dự báo lượng du khách quốc tế năm 2023 có thể đạt mức 80-90% so với giai đoạn trước đại dịch; chi tiêu cho du lịch năm 2023 tăng 20%; thời gian lưu trú cũng dài hơn (ví dụ với du khách Mỹ trung bình “xê dịch” khoảng 14 ngày so với 10 ngày trước đại dịch để tối ưu hóa chi phí di chuyển).
Về lâu dài, phát triển xanh, số hóa du lịch chính là con đường tất yếu của thế giới. Du khách quốc tế cũng có xu hướng chọn trải nghiệm du lịch gắn với văn hóa địa phương, du lịch gắn với thiên nhiên thay vì các lựa chọn khác từ sau thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.
[Du lịch Việt Nam: Chặng đường sau 1 năm phục hồi từ con 'số âm']
Trên 70% số khách có nhu cầu du lịch bền vững. Đặc biệt, người dân châu Âu sẵn sàng trả thêm chi phí để trải nghiệm du lịch xanh hay các dịch vụ mang đến lợi ích cho cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa bản địa…
Tuy nền kinh tế chung bị “bão COVID” tàn phá, song các nước trên thế giới đều xác định du lịch là mũi nhọn phục hồi. Hầu hết các quốc gia đều ban hành kế hoạch phục hồi du lịch, tập trung vào quảng bá, xúc tiến quy mô lớn để thu hút du khách quốc tế, đa dạng hoá thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế nhập cảnh; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua các khó khăn. Chiến lược này đã tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút du lịch.
Điển hình có thể kể đến như Singapore, Indonesia, UAE cấp thị thực lưu trú dài hạn, thậm chí Thái Lan cấp thị thực lên tới 10 năm nhằm thu hút tầng lớp thương gia, người hưu trí, các chuyên gia… đến đầu tư và định cư.
Trong khi đó, Indonesia, Singapore, Thái Lan tập trung quảng bá, đẩy mạnh thu hút khách du lịch đến từ ASEAN, Ấn Độ; Saudi Arabia triển khai chương trình “Saudi Seasons” với 11 sự kiện quy mô lớn trong vòng 1 năm. Tây Ban Nha, Na Uy, Đức cũng ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính như miễn thuế, hoàn thuế, giảm thuế VAT, giảm lãi suất ngân hàng cho các khoản vay của doanh nghiệp du lịch, lữ hành…
Hướng tới một nền du lịch bền vững, các nước tcũng ập trung đầu tư và xanh hóa các cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khuyến khích chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực. Ví dụ như Tây Ban Nha, Na Uy, Đức nâng cấp hạ tầng như sân bay, cảng biển, khách sạn; Hàn Quốc, Bahrain đẩy mạnh hợp tác công-tư trong phát triển các sản phẩm du lịch mới…
"Bắt tay" thật chặt để cùng vực dậy nền kinh tế xanh
Trên cơ sở kinh nghiệm các nước cũng như xu hướng mới thế giới, nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi-Tăng tốc phát triển” mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh việc nâng cao vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao.
Đặc biệt, với thuận lợi là “căn cứa địa” Việt Nam khắp nơi trên thế giới, ông Đỗ Hùng Việt cho rằng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài rất có lợi thế trong việc chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng cách tiếp cận, xúc tiến quảng bá các sản phẩm cụ thể, phù hợp với thị hiếu thị trường, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần, không phải những dịch vụ ta sẵn có.”
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đề xuất Cục Du lịch quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tìm cách làm tốt hơn và đầu tư mạnh hơn vào thiết kế, xây dựng, tổ chức, vận hành website quốc gia và một ứng dụng quốc gia về du lịch theo cách chuyên nghiệp, nội dung phong phú, hấp dẫn, trong đó có cả bản đồ về du lịch, mang lại nhiều hữu ích cho khách du lịch.”
Theo ông Dũng việc này nói dễ, làm không dễ. Bởi công nghệ chỉ là điều kiện cần và dễ giải quyết, còn dữ liệu, nội dung và những thứ khác thuộc về nghiệp vụ du lịch mới tạo nên điều kiện đủ.
Điểm khác biệt của du lịch Việt Nam chính là tài nguyên văn hóa, có thể gồm di tích văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, là phong tục và nghề truyền thống. Do đó, chúng ta cần kế hoạch số hóa các địa điểm du lịch và tài nguyên văn hóa; lưu trữ tài nguyên dưới dạng kỹ thuật số, quản lý, phân tích và phổ biến rộng rãi. Những thông tin số hóa này được tích hợp lên website và ứng dụng quảng bá du lịch của Việt Nam.
Ông Nguyễn Huy Dũng khẳng định Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng phối hợp với chủ trì là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Được coi là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch đang phấn đấu chiếm tỷ trọng từ 10-13% GDP (những nước phát triển ở châu Âu, tỷ trọng này từ 20-30%). Muốn vậy, nền công nghiệp không khói cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các ngành khác.
Đồng tình với việc cần phải phát triển du lịch theo chuỗi với sự tham gia của các bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh cả 5 loại hình vận tải mà chúng ta đang tập trung là đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy cũng như hệ thống cảng biển đều có liên quan đến du lịch.
Đến năm 2021, Việt Nam có 1.163 km đường cao tốc và ngành giao thông đang cố gắng đến thời điểm 30/4/2023 sẽ có thêm khoảng 500 km đường cao tốc. Đây chính là hạ tầng hết sức quan trọng để kết nối các vùng, tạo điều kiện phát triển du lịch. Hàng không từ sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài đến cảng biển Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu cũng đã và đang trên lộ trình hoàn thiện.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện bộ này đang tập trung vào xử lý những điểm bất cập của các hiệp định, không chỉ đường hàng không mà cả đường bộ, hàng hải, cả hiệp định song phương và đa phương.
“Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác để tăng các chuyến bay và giữ được slot mà trước năm 2019 mình đã có đồng thời giao cho Cục Hàng không rà soát để bố trí ưu tiên những giờ cao điểm, giờ đẹp cho những chuyến bay quốc tế,” ông Lê Đình Thọ khẳng định.
Du lịch Việt Nam dù đang dần có những tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó cần sự chung tay, phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp mới có thể giúp nền kinh tế xanh thực sự phục hồi bền vững sau đại dịch./.