Liên quan đến tình trạng hàng loạt cơ sở sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát ngang nhiên “biến” đất nông nghiệp thành nhà xưởng và gây ô nhiễm môi trường tại xã Tiên Dược (Sóc Sơn, Hà Nội) được báo VietnamPlus phản ánh, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn vừa có văn bản phúc đáp thông tin báo nêu đồng thời khẳng định sẽ xử lý các cơ sở xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công…
Cụ thể, theo văn bản số 1567/UBND-VP phúc đáp nội dung loạt bài “Xâm nhập thủ phủ nhựa tái chế ‘bức tử’ môi trường ngay thủ đô Hà Nội,” ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết sẽ thanh lý, chấm dứt 2 hợp đồng thuê đất công ký không đúng thẩm quyền cho các hộ dân để sản xuất tạo hạt nhựa, giặt bao tải.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn sẽ thiết lập, củng cố hồ sơ xử lý vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng đối với 37 cơ sở xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công. Trên cơ sở căn cứ hồ sơ vi phạm của các cơ sở, huyện sẽ xây dựng kế hoạch và tổ chức cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm.
“Đối với 48 cơ sở giặt bao tải, tạo hạt nhựa hoạt động trên đất ở, sẽ vận động, tuyên truyền để các hộ dừng sản xuất. Trường hợp cơ sở còn hoạt động, phối hợp với các cơ quan chức năng lấy mẫu phân tích và đánh giá mức độ ô nhiễm, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xử lý theo quy định,” văn bản nêu rõ.
[Xâm nhập thủ phủ nhựa tái chế “bức tử” môi trường ngay thủ đô Hà Nội]
Trước đó, như VietnamPlus đã phản ánh, từ nhiều năm qua, hàng loạt cơ sở sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát đã ngang nhiên tồn tại tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, bất chấp “lệnh cấm” xây dựng công trình nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp, cũng như quy định về bảo vệ môi trường.
Ngay sau khi báo chí phản ánh, từ năm 2014 đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra, cũng như thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động trên đất đất ở, đất vường, ao trong khu dân cư… Nhưng, thực tế vẫn “chưa thể” xử lý triệt để vi phạm.
Trước thực tế nêu trên, ngày 25/9/2014, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã phải ban hành Tờ trình số 79/TTr-UBND kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định cưỡng chế, buộc di dời cấm hoạt động đối với các cơ sở sản xuất phát sinh chất thải độc hại trong khu dân cư, vi phạm pháp luật về môi trường để Ủy ban nhân dân huyện thực hiện nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội.
Tiếp nhận nội dung đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, ngày 30/1/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có công văn số 132/STNMT-TTr, hướng dẫn về việc ban hành quyết định cưỡng chế, áp dụng hình thức buộc di dời, cấm hoạt động đối với các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
“Trường hợp cơ sở bị áp dụng hình thức buộc di dời, cấm hoạt động không chấp hành quyết định thì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định cưỡng chế theo trình tự, thủ tục ban hành quyết định cưỡng chế thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố,” công văn nêu rõ.
Tuy nhiên, đến nay, sau gần 2 năm, nhiều cơ sở sản xuất gioăng kính, nhựa tái chế tự ý xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường đã được Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn liệt vào danh sách phải cưỡng chế, tháo dỡ công trình vẫn ngang nhiên tồn tại.”./.