Xâm nhập thủ phủ nhựa tái chế “bức tử” môi trường ngay thủ đô Hà Nội

Hàng loạt cơ sở sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhiều năm qua tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý dứt điểm.
Xâm nhập thủ phủ nhựa tái chế “bức tử” môi trường ngay thủ đô Hà Nội ảnh 1Phế thải ngổn ngang hai bên đường thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn. (Ảnh: H.V/Vietnam)

Hàng loạt cơ sở sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát… từ nhiều năm qua đã ngang nhiên tồn tại tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội bất chấp “lệnh cấm” xây dựng công trình nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp, cũng như quy định về bảo vệ môi trường.

Hiện tại, những cơ sở sản xuất này vẫn đang ngày đêm nhả khói, xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đằng sau đó là cả một loạt thủ thuật phù phép để bao che, phớt lờ cho các cơ sở sản xuất vi phạm này được kéo dài thời gian hoạt động từ nhiều bên có liên quan.

Bài 1: Mục sở thị “làng khói” đầu độc môi trường

Càng về trưa, nắng càng gay gắt. Con đường mòn chạy thẳng vào xưởng sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát của ông chủ Lê Văn Hoan, ở thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn chốc chốc lại bị nghẽn lại bởi hàng loạt xe tải kéo tới “nhả rác," “ăn hàng."

Phía trước mặt, những cột khói đen nghi ngút cuộn lên trời, bốc mùi khét lẹt như điôxin, Furant, báo hiệu gần tới thủ phủ sản xuất nhựa tái chế “đầu độc” môi trường, khiến người dân Dược Hạ từ nhiều năm nay chỉ biết… kêu trời.

“Đầu độc” môi trường

Sau một thời gian dài vào vai nhóm chuyên gia tư vấn muốn “bắt tay” với các cơ sở sản xuất nhựa tái chế để cải thiện môi trường tại xã Tiên Dược, chiều 12/8, chúng tôi cũng tiếp cận được Hoan - một ông chủ nổi tiếng tại thôn Dược Hạ. Vào thời điểm giữa tháng​ Tám, Hoan đang vận hành một khu xưởng tạo hạt nhựa không phép trên diện tích 200m2 đất nông nghiệp.

Ông chủ nhựa tái chế Dược Hạ này cho biết, tại địa phương có rất nhiều cơ sở giặt rửa bao tải-nylon, sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát, nhưng xét về quy mô “khủng” chỉ có dăm cơ sở, được đầu tư công phu từ hệ thống nhà xưởng đến lò đốt, trạm điện biến áp 3 pha.

Theo tiết lộ của Hoan, nghề sản xuất nhựa tái chế (tạo hạt nhựa) mang lại doanh thu cao, song thực tế cũng rất độc hại, nhất là mùi, khí trong quá trình sử dụng lưới nhựa làm nhiên liệu đốt lò.

"Vậy khi đốt lưới nhựa, anh có tính đến việc xử lý khói, khí không?" Tôi hỏi Hoan. Bình thản hướng mắt nhìn ống khói đang cuồn cuộn xộc thẳng lên trời, ông chủ nhựa tái chế, mặt bặm trợn thủng thẳng đáp: “Sao mà xử lý được, cứ cho nó bay lên trời thôi.”

Vừa dứt lời, Hoan mở cửa cho chúng tôi tiếp cận khu sản xuất. Càng vào gần xưởng, mùi khí thải từ việc đốt nhựa đã phát ra khét lẹt. Chỉ trong vài phút ngắm những cỗ máy “ăn rác," “nhả hạt nhựa" đã thấy đau đầu, tức ngực khó thở…

Tiếp cận phía sau khu xưởng, chúng tôi tiếp tục thấy một ống khói cao 8m, có chụp hút khói khí thải nhưng không hề được xử lý. Cứ mỗi khi những tấm lưới nhựa đỏ lửa, toàn bộ khói lại xộc thẳng lên trời, rồi quyện bay theo gió khiến mùi khét bao phủ quanh khu làng.

Khi chúng tôi giơ điện thoại lên quay ống khói, vợ của Hoan từ trong xưởng nói vọng: “Nó quay đấy, nó là nhà báo.” Nghe tiếng vợ nhắc, Hoan mặt hăm hăm, giọng nổi nóng đáp: “Kệ mẹ nó, cho chúng nó quay!”

Trước phản ứng nóng nảy của ông chủ cơ sở nhựa tái chế, chúng tôi rút lui. Trên đường, Thịnh - một cán bộ trẻ ở xã Tiên Dược nhận lời giúp chúng tôi tiếp cận cơ sở “đầu độc” môi trường thở dài nói: “Anh vào thấy khói, khí có mùi khét như điôxin. Tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì không ổn.”

Cũng trong buổi chiều 12/8, được sự đồng ý của người dẫn đường, chúng tôi tiếp tục tiếp cận cơ sở sản xuất nhựa tái chế của Vũ Văn Chung, một ông chủ “chịu quan hệ” với những nhân vật giấu mặt để ngang nhiên hoạt động.

Tại buổi gặp, khi chúng tôi đề cập đến việc xử lý khí thải, Chung cho biết, cơ sở sản xuất nhựa tái chế của gã bắt đầu hoạt động từ năm 2013, trong quá trình sản xuất đã xây dựng ống khói cao khoảng 18m để thải khói ra môi trường.

Nói đoạn, gã chủ cơ sở tái chế nhựa hướng mắt về phía lò đốt đang nhả khói, bảo: “Ở đây mình sử dụng lưới nhựa làm nhiên liệu đốt, chứ sử dụng than tốn kém lắm. Trong khu này, hầu như cơ sở nào cũng đốt lò bằng lưới nhựa.”

Về quy trình sản xuất và xử lý nước thải, Chung giải thích, sau khi bao tải ximăng được cho vào bể nước giặt sạch, người làm nghề sẽ cho bao tải vào máy cắt nhỏ. Sau đó, sợi bao tải được chuyển sang máy nấu, tạo thành sợi dẻo để cắt ra thành hạt nhựa, bán cho các đầu mối thương lái.

Trong khi đó, nguồn nước thải đục ngầu, đặc quánh bùn đất do quá trình giặt rửa bao tải và tẩy màu, không qua xử lý cũng được chủ cơ sở này xả thải trực tiếp ra môi trường theo kênh mương nội đồng, bốc mùi hôi thối.

Như để bao biện cho hành vi xả thải của mình, gã chủ cơ sở nhựa tái chế giải thích: “Trước đây, mình có đào một cái ao chứa nước thải, nhưng vì lượng nước thải ngày càng lớn, nên gia đình buộc phải xả thẳng ra môi trường, theo đường kênh mương.”

Xâm nhập thủ phủ nhựa tái chế “bức tử” môi trường ngay thủ đô Hà Nội ảnh 2Khí độc thải trực tiếp ra môi trường. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

"Ngủ cũng phải đeo khẩu trang"

Thủng thẳng nhấp ngụm chè, Chung cho hay: Thực ra nghề giặt rửa bao tải-nylon, sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tại thôn Dược Hạ đã hình thành tự phát được hơn 10 năm. Hoạt động sản xuất ở đây chính quyền thôn, xã và huyện đều biết, nhưng ngay từ đầu họ không phản đối nên bà con cứ làm thôi.

“Như nhà mình, các bác ở trên xã, bác Năng (Chủ tịch xã), bác Phúc (Phó Chủ tịch xã)… toàn là người nhà cả, nên cũng được tạo điều kiện cho hoạt động,” ​ông chủ cơ sở nhựa tái chế tự tin khoe.

Khẳng định thêm mối quan hệ với “quan xã,” Chung bảo, trước giờ được chính quyền xã “tạo điều kiện” ​nên cơ sở sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế đã vài lần bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt, thậm chí là yêu cầu tháo dỡ công trình, nhưng, tất cả các biện pháp cũng chỉ là “phạt cho tồn tại.”

Trong khi đó, theo nguồn tin từ một cán bộ làm ở Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược, trên địa bàn thôn Dược Hạ có hơn 900 hộ dân thì có khoảng gần 100 hộ tham gia làm nghề giặt rửa bao tải, sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát, trong đó có nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường hết sức nặng nề như hộ gia đình ông Hoan, ông Chung, ông Biên...

Ban đầu, người dân trong xã chỉ làm nghề thu gom, giặt, rửa bao tải, đồ nhựa cũ để cung cấp cho các cơ sở tái chế ở địa phương khác, nhưng dần dần, nhiều hộ đã xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc để sản xuất nhựa tái chế ngay tại địa phương.

Từ việc tái chế nhựa để tạo ra lợi nhuận, kinh tế của nhiều gia đình ở Dược Hạ ngày càng trở nên khấm khá hơn. Những ngôi nhà khang trang mọc lên, nhiều ôtô, xe tải được mua về đã minh chứng cho việc nghề làm nhựa tái chế đã giúp người dân ở địa phương này giàu lên.

Thế nhưng, trong sự giàu lên nhanh chóng của một làng nghề tái chế nhựa tự phát này lại đang khiến môi trường (nước, không khí) của làng quê yên bình nhanh chóng bị hủy hoại, ô nhiễm nặng nề, người dân vô cùng bức xúc.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuấn, một người dân ở thôn Dược Hạ thở dài bảo, từ ngày mọc lên các cơ sở giặt rửa bao tải-nylon, sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát, cuộc sống của người dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mùi khói độc hại và ô nhiễm nguồn nước.

“Bất kể ngày hay đêm, cứ có đủ nguyên liệu là họ nấu, đốt, xung quanh làng lúc nào cũng mùi khói khét lẹt, nước thì ngấm xuống đất và tràn ra ruộng. Khổ nhất là những gia đình sống gần xưởng, cửa lúc nào cũng đóng kín nhưng khói vẫn bay vào, nên có lúc ngủ cũng phải đeo khẩu trang,” ông Tuấn buồn rầu nói.

Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn cũng cho thấy, phần lớn các hộ tái chế nhựa trong làng đều không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải. Khói từ việc đốt nhựa tạo lò hơi được nhả trực tiệp ra môi trường; nước thải từ công đoạn rửa nhựa đến quá trình xay nghiền nhựa cũng được xả “nóng” ra cống, rãnh, ao hồ của cả làng, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Trước thắc mắc của chúng tôi về việc các cơ sở sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động, ông Dương Văn Năng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược cho rằng, việc các cơ sở sản nhựa tái chế gây ô nhiễm môi trường là đúng thực tế. Hiện địa phương cũng đang "đau đầu" tìm cách xử lý.

Chưa hết bất ngờ về hành vi “đầu độc” môi trường trắng trợn của các cơ sở nhựa tái chế, chúng tôi đã ngay lập tức nhận được thông tin một loạt nhà xưởng “mọc lên” trái phép trên đất nông nghiệp được cán bộ thôn cho thuê trái thẩm quyền trong thời gian dài, nhưng chính quyền địa phương vẫn ký xác nhận cho… tồn tại.

Bài 2: Cho thuê đất trái thẩm quyền, “quan xã” vẫn ký xác nhận cho... tồn tại

Xâm nhập thủ phủ nhựa tái chế “bức tử” môi trường ngay thủ đô Hà Nội ảnh 3Nước thải từ hoạt động giặt tải không qua xử lý được xả trực tiếp ra môi trường. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục