Ngày 7/8, bộ trưởng năng lượng các nước Hy Lạp, Cộng hòa Cyprus, Israel và Mỹ cho biết họ đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời lưu ý rằng họ có thể thúc đẩy hợp tác trong khi các vấn đề về năng lượng có thể gây ra căng thẳng trong khu vực.
Phát biểu sau cuộc hội đàm tại thủ đô Athens (Hy Lạp), Bộ trưởng Năng lượng Cộng hòa Cyprus, Georgios Lakkotrypis cho biết, ông đã nhận được sự ủng hộ từ các đối tác Hy Lạp, Israel và Mỹ về quyền khoan thăm dò tài nguyên thiên nhiên của nước này.
Căng thẳng đã gia tăng giữa Cộng hòa Cyprus và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thăm dò năng lượng, với việc Nicosia kêu gọi Ankara ngừng khoan thăm dò khí đốt tại một phần biển Địa Trung Hải, vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Cyprus.
Cộng hòa Cyprus, một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), chỉ kiểm soát 2/3 phía lãnh thổ ở phía Nam. Phần phía Bắc bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng từ năm 1974, khi Ankara can thiệp quân sự để đáp trả âm mưu đảo chính của những người Cyprus gốc Hy Lạp hòng thống nhất hòn đảo này với Hy Lạp, trái với mong muốn của người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Việc phát hiện các mỏ khí đốt khổng lồ ở phía Đông Địa Trung Hải trong những năm gần đây đã khoét sâu mâu thuẫn giữa các quốc gia trong khu vực.
[Thổ Nhĩ Kỳ đặt điều kiện về chấm dứt thăm dò dầu khí ngoài khơi Cyprus]
Bộ trưởng Năng lượng Israel, Yuval Steinitz cũng bày tỏ hy vọng sẽ thúc đẩy nhanh chóng việc xây dựng tuyến đường ống dưới biển dài nhất thế giới để vận chuyển khí đốt từ các mỏ năng lượng ở Đông Địa Trung Hải đến châu Âu.
Tuyến đường ống này có chiều dài lên tới 2.200km, với điểm khởi đầu sẽ nằm ở ngoài khơi cách bờ biển phía Nam của Cộng hòa Cyprus 170 km và chạy thẳng vào lãnh thổ nước này, tiếp đó sẽ nối sang Hy Lạp và điểm cuối sẽ nằm gần thành phố Otranto thuộc Đông Nam của Italy.
Các nguồn tin trong ngành dầu mỏ cho hay đây sẽ là tuyến đường ống dài nhất và sâu nhất thế giới. Với công suất vận chuyển khoảng 20 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, tuyến đường ống Đông Địa Trung Hải dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu khí đốt của châu Âu./.