Hy Lạp không có khả năng thanh toán khoản 300 triệu euro ban đầu trong tổng số tiền 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) mà Athens nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và dự kiến phải trả vào 5/6 sắp tới, nếu các chủ nợ quốc tế không cấp thêm tiền cứu trợ.
Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis nói trên kênh tin tức Channel 4 của Vương quốc Anh rằng nếu có thể, Hy Lạp sẽ cố gắng trả nợ cho IMF, đồng thời trả lương hưu và tiền lương khu vực nhà nước vào ngày 6/5, cùng các nghĩa vụ khác với chủ nợ trong nước. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể, Athens sẽ phải ưu tiên trả tiền lương và lương hưu trước.
Ông Varoufakis cho biết Hy Lạp đang cân nhắc việc đánh thuế các giao dịch ngân hàng để giúp tăng nguồn thu ngân sách, mặc dù việc đó mới được đưa ra trên bàn đàm phán, và nói thêm rằng Athens có đề xuất khác thay thế cho kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) - một vấn đề then chốt trong các cuộc thảo luận.
Thủ tướng Alexis Tsipras bày tỏ hy vọng nước này sẽ đạt được các thỏa thuận về vấn đề tăng thuế VAT, tư nhân hóa các công ty nhà nước và mục tiêu ngân sách vào ngày 3/6, sẽ được giải ngân khoản tiền còn lại trị giá 7,2 tỷ euro (8 tỷ USD) trong gói cứu trợ đã được nhất trí trước đó. Theo một nguồn tin, các đàm phán liên quan đến cải cách lương hưu Hy Lạp sẽ trì hoãn đến cuối năm.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) điều chỉnh nâng mức trần của khoản hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) dành cho các ngân hàng Hy Lạp thêm 200 triệu euro lên 80,2 tỷ euro. Đây là lần tăng ít nhất trong một loạt động thái hỗ trợ của ECB để giúp đỡ các ngân hàng của Hy Lạp - hiện đang cạn kiệt tiền khi thời hạn thanh toán nợ công đã cận kề trong lúc cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ vẫn bế tắc làm đóng băng khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's nhận định rằng Athens sẽ áp dụng quy định kiểm soát tiền tệ và đóng băng các khoản tiền gửi ngân hàng nhằm đối phó với tình trạng rút vốn hàng loạt ở các tài khoản ngân hàng. Nhu cầu về thanh khoản của các ngân hàng Hy Lạp đang đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Từ đầu tháng 12/2014 đến cuối tháng 3/2015, chủ sở hữu tài khoản cá nhân và doanh nghiệp đã rút khoảng 26 tỷ euro tiền gửi tại các ngân hàng nước này, do lo sợ về khả năng đất nước phá sản và phải ra khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone)./.