Hy Lạp và Bồ Đào Nha kêu gọi chấm dứt chính sách kinh tế khắc khổ

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras và người đồng cấp Bồ Đào Nha Costa đã ký tuyên bố chung mang tên "Phản đối chính sách khắc khổ, vì một châu Âu dân chủ và tiến bộ với sự kết nối và công bằng xã hội."
Hy Lạp và Bồ Đào Nha kêu gọi chấm dứt chính sách kinh tế khắc khổ ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và người đồng cấp Bồ Đào Nha Antonio Costa. (Nguồn: AP)

Ngày 11/4 tại thủ đô Athens, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và người đồng cấp Bồ Đào Nha Antonio Costa đã ký tuyên bố chung mang tên "Phản đối chính sách khắc khổ, vì một châu Âu dân chủ và tiến bộ với sự kết nối và công bằng xã hội," theo đó kêu gọi chấm dứt các chính sách kinh tế khắc khổ và tăng cường đoàn kết trong châu lục để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 tới nay.

Đài Truyền hình quốc gia Hy Lạp ERT cho biết đây là lần đầu tiên hai quốc gia Nam Âu cùng ký tuyên bố chung nhằm tăng cường hợp tác song phương trong bối cảnh cùng đang chịu tác động nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Costa tới Athens được Chính phủ Hy Lạp đánh giá là một dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ đối với nước này vào thời điểm khủng hoảng, khi Athens ngập chìm trong nợ nần và một loạt thách thức liên quan tới vấn đề người di cư.

Liên quan tới nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, Hy Lạp và Bồ Đào Nha nhất trí cho rằng cuộc khủng hoảng trong Khu vực Sử dụng đồng euro (Eurozone) là hệ quả của một quá trình hội nhập châu Âu không cân xứng, cũng như sự thiếu vắng các công cụ hiệu quả để giải quyết vấn đề này.

Chính phủ hai nước đánh giá trong bối cảnh các nước đang phải "vật lộn" với tình trạng suy thoái, thất nghiệp và nghèo đói, những chính sách mà các chủ nợ quốc tế áp đặt trong những năm gần đây trên cơ sở đơn phương và theo đuổi sự khắc khổ hoàn toàn không hiệu quả.

Mà trái lại, các khiến tình cảnh của các nước thêm tồi tệ. Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã thúc đẩy cho "một hiệp ước xã hội châu Âu mới" cũng như các chính sách hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề chung của xã hội như bài ngoại và cực đoan trên toàn châu Âu.

Trong khi đó, hãng tin quốc gia Hy Lạp AMNA đưa tin, trong tuyên bố chung, hai chính phủ đã nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác về chính sách tị nạn của châu Âu trên cơ sở đoàn kết, đồng thời hai bên đã bày tỏ quan điểm phản đối các hành động đơn phương và đóng cửa biên giới của một số nước tuyến đầu châu Âu nhằm chặn dòng người tị nạn đến từ các nước xung đột./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.