Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho rằng châu Âu vẫn chưa giành chiến thắng trong "cuộc chiến" năng lượng với Nga, dù giá khí đốt giảm đáng kể.
Người đứng đầu IEA cảnh báo Nga có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt còn lại cho châu Âu và nhu cầu toàn cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể sẽ tăng lên do sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Điều này có thể làm phức tạp thêm việc bổ sung dự trữ khí đốt của châu Âu trước mùa Đông tới.
Ông Birol đánh giá Nga đã đặt cược vào "lá bài" năng lượng và đã không thắng nhưng sẽ là quá táo bạo khi tuyên bố rằng châu Âu đã chiến thắng trong "cuộc chiến" năng lượng.
Quan chức IEA cho rằng mùa Đông tới có thể khó khăn hơn đối với châu Âu nếu thời tiết lạnh hơn. Ông chỉ ra rằng nền kinh tế châu Âu vẫn rơi vào suy thoái quy mô lớn, mặc dù cuộc khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng nặng nề. Ông nói giá khí đốt tại châu Âu vẫn cao gấp 7 lần so với ở Mỹ, giá điện cao gấp 3 lần so với ở Trung Quốc. Giải pháp lâu dài cho an ninh năng lượng nên dựa trên năng lượng sạch.
[Giá khí đốt tại châu Âu thấp hơn 7 lần so với mức kỷ lục một năm trước]
Tuy nhiên, người đứng đầu công ty năng lượng lớn nhất của Đức RWE, ông Markus Krebber, mới đây dự đoán giá khí đốt ở châu Âu sẽ không trở lại mức cao kỷ lục của năm ngoái.
Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Krebber cho rằng tình hình thị trường khí đốt hiện nay không quá căng thẳng, nhất là nhờ mùa Đông ôn hòa và việc các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp nối lại sản xuất.
Tháng 8/2022, giá bán buôn khí đốt cho thị trường châu Âu lên tới gần 350 euro (370 USD)/MWh do hạn chế nguồn cung từ Nga. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, giá khí đốt trên thị trường châu Âu đã giảm đáng kể. Bên cạnh nguyên nhân do thời tiết tương đối ấm áp trong những tháng mùa Đông, các nguồn cung LNG quy mô lớn qua đường biển cũng góp phần hạ giá khí đốt ở châu Âu.
Tuần trước, giá khí đốt cho thị trường châu Âu lần đầu tiên giảm xuống dưới 50 euro/MWh kể từ năm 2021. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn đáng kể so với trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine. Giá khí đốt tăng cao được coi là nguyên nhân làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu./.