IEA: Khủng hoảng hàng không có thể cản trở sự phục hồi của giá dầu

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nhu cầu về nhiên liệu máy bay chỉ phục hồi chậm giữa bối cảnh hoạt động đi lại bằng đường không bị kìm hãm do các biện pháp hạn chế.
Khủng hoảng ngành hàng không do dịch COVID-19 cũng khiến giá dầu chậm hồi phục. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khủng hoảng ngành hàng không do dịch COVID-19 cũng khiến giá dầu chậm hồi phục. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 16/6 nhận định nhu cầu xăng và dầu diesel dự kiến sẽ phục hồi vào cuối năm nay, song cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể để lại các "vết thương" cho ngành hàng không và thị trường dầu mỏ.

IEA đã tiếp tục nâng dự báo đối với thị trường dầu mỏ trong báo cáo hằng tháng mới nhất của mình, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế và lệnh phong tỏa, vốn đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể sau cuộc đại suy thoái.

[Ngành dầu mỏ đối mặt với tình trạng sụt giảm đầu tư chưa từng thấy]

IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sẽ ở mức 91,7 triệu thùng/ngày, giảm 8,1 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.

Mức giảm này cải thiện hơn so với mức dự báo giảm 9,8 triệu thùng/ngày do IEA đưa ra hồi tháng 4/2020 và mức dự đoán giảm 8,6 triệu thùng/ngày được đưa ra vào tháng 5/2020.

IEA lưu ý rằng lượng dầu mỏ tiêu thụ so với cùng kỳ năm ngoái đang tăng lên đều đặn kể từ "Tháng Tư đen tối" khi các biện pháp phong tỏa được áp đặt.

IEA dự đoán mức giảm 21,8 triệu thùng/ngày trong tháng 4 sẽ thu hẹp xuống còn 18,6 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2020.

Trong tháng 6 và 7/2020, nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ giảm lần lượt 12,9 triệu thùng/ngày và 7,4 triệu thùng/ngày.

IEA đã chỉ ra một số tín hiệu phục hồi. Việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế và phong tỏa đã khiến nhu cầu dầu mỏ trong tháng 4/2020 tăng trở lại mức được ghi nhận một năm trước đấy.

Cơ quan này cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ ở Ấn Độ trong tháng 5/2020, dù nhu cầu vẫn còn thấp hơn mức năm ngoái.

IEA nhận định trong nửa cuối năm nay, việc nhiều nước nới lỏng các biện pháp hạn chế cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ đi lên.

IEA: Khủng hoảng hàng không có thể cản trở sự phục hồi của giá dầu ảnh 1Hành khách tại sân bay Incheon, Hàn Quốc ngày 22/4/2020. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Báo cáo của IEA cũng đưa ra những dự báo đầu tiên cho năm 2021 khi nhận định nhu cầu dầu mỏ tăng 5,7 triệu thùng/ngày, trong bối cảnh các nền kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại bình thường.

Yếu tố này sẽ giúp nhu cầu dầu toàn cầu tăng trở lại lên mức 97,4 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, IEA ước tính nhu cầu đối với nhiên liệu máy bay và dầu hỏa trong quý 2/2020 sẽ giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ phục hồi chậm giữa bối cảnh hoạt động đi lại bằng đường không có thể bị kìm hãm do các biện pháp hạn chế và nhu cầu vẫn thấp cho tới khi thế giới điều chế được vắcxin phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

IEA nhận định: "Không giống như xăng và dầu diesel, có khả năng phục hồi về gần với mức trước khi xảy ra khủng hoảng vào cuối năm 2020, triển vọng đối với nhiên liệu máy bay lại càng không chắc chắn."

Theo dự báo của IEA, sau khi giảm 3 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhu cầu đối với nhiên liệu máy bay và dầu hỏa sẽ chỉ tăng 1 triệu thùng/ngày vào năm 2021.

Về phần cung, IEA cho biết sản lượng dầu toàn cầu được dự báo sẽ sụt giảm 7,2 triệu thùng/ngày trong năm 2020 và sẽ chỉ tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm tới nếu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.