IEA: Tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ vẫn dai dẳng

Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ vẫn dai dẳng khi các nước khác tăng sản lượng, trong lúc các nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ hạn chế khai thác.
IEA: Tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ vẫn dai dẳng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: www.presstv.ir)

Theo AFP, trong báo cáo tháng mới nhất công bố ngày 13/5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ vẫn dai dẳng khi các nước khác tăng sản lượng, trong lúc các nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ hạn chế khai thác do giá dầu giảm mạnh từ năm ngoái.

Theo IEA, nguồn cung dầu toàn cầu vẫn ở mức 95,7 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2015. Cơ quan này cho biết, sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ tăng chậm lại được bù bằng sản lượng tăng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng như một số nước khác nằm ngoài tổ chức này. IEA vẫn dự báo nhu cầu toàn cầu năm nay tăng ở mức 1,1 triệu thùng/ngày, lên 93,6 triệu thùng/ngày.

Giá dầu đã giảm hơn 60% so với mức đỉnh trên 100 USD/thùng hồi tháng 6/2014, xuống dưới 50 USD/thùng vào đầu năm nay, khi OPEC từ chối cắt giảm sản lượng dù có dấu hiệu về sự dư thừa nguồn cung. Động thái này của OPEC, đang đóng góp 30% nguồn cung toàn cầu, được cho là để đánh bật các nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ với chi phí sản xuất cao hơn, ra khỏi thị trường.

IEA nhấn mạnh rằng giá dầu giảm có thể là lý do khiến số giàn khoan hoạt động tại Mỹ đã giảm 60% và lượng dầu dự trữ ở nước này giảm một tuần trong tháng Tư.

Trong khi đó, IEA nhận thấy Nga và Brazil, hai nước không thuộc OPEC, đã đối phó tốt với việc giá dầu giảm.

Theo cơ quan này, các công ty dầu mỏ của Nga đã thích ứng tốt với việc giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của quốc tế, nhờ cơ chế thuế linh hoạt giúp làm giảm bớt gánh nặng tài chính khi giá dầu giảm và nhờ việc cắt giảm mạnh chi phí sản xuất.

IEA nhấn mạnh rằng sản lượng của Nga tăng mạnh 185.000 thùng/ngày trong tháng Tư. Ngoài ra, cơ quan này cũng lưu ý sản lượng của Brazil tăng 17% trong quý 1/2015 cũng như sản lượng của các nước khác nằm ngoài OPEC là Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia tăng.

IEA đã nâng dự báo tăng trưởng sản lượng ngoài OPEC năm nay. Cơ quan này nhận định sản lượng của các nước không thuộc OPEC sẽ tăng 830.000 thùng/ngày, lên 57,8 triệu thùng/ngày.

Theo IEA, sản lượng dầu của OPEC tiếp tục tăng trong tháng Tư, ở mức 160.000 thùng/ngày, sau khi tăng 960.000 thùng/ngày trong tháng Ba, khi Iraq và Iran tăng sản xuất và nước xuất khẩu hàng đầu là Saudi Arabia sản xuất trên 10 triệu thùng/ngày tháng thứ hai liên tiếp. Với mức tăng đó, nguồn cung tháng Tư từ OPEC ở mức 31,21 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 9/2012. Tháng Tư là tháng thứ 12 liên tiếp sản lượng của OPEC vượt hạn ngạch 30 triệu thùng/ngày.

Trong báo cáo tháng Tư mới công bố, OPEC cho biết sản lượng dầu của tổ chức này tiếp tục tăng thêm 18.000 thùng/ngày, lên 30,84 triệu thùng/ngày, do sản lượng tăng tại Saudi Arabia, Iraq và Iran, sau khi đã tăng mạnh 850.000 thùng/ngày trong tháng Ba.

OPEC nâng nhẹ dự báo nhu cầu toàn cầu đối với dầu mỏ của các nước thành viên trong năm nay thêm 50.000 thùng/ngày so với dự báo trước. Nhưng dù vậy, OPEC thừa nhận vẫn bị dư cung 1,52 triệu thùng/ngày trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục