Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra đang nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đại dịch này sẽ còn tác động đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động như thế nào trong thời gian tới?
Tiến sỹ Chang-Hee Le, Giám đốc, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) đã trao đổi về những thách thức về mất việc làm mà Việt Nam sẽ phải đối diện trong dịch bệnh COVID-19.
Hơn 22 triệu lao động có rủi ro lớn
- Báo cáo nhanh mới đây của ILO đã đưa ra những dự báo cập nhật về tình trạng mất việc làm và giảm số giờ làm việc nghiêm trọng trên toàn thế giới. Vậy tình hình của Việt Nam được dự báo như thế nào, thưa ông?
Tiến sỹ Chang-Hee Lee: Vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự báo chắc chắn đối với Việt Nam do chúng ta chưa có những số liệu phản ánh tác động toàn diện của đại dịch COVID-19 gây nên đối với doanh nghiệp và việc làm. Chúng ta cần đợi tới khi công bố kết quả cuộc Điều tra Lao động Việc làm và Doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê đang thực hiện với sự hỗ trợ của ILO.
Cũng đã có một số dự báo được đưa ra dựa trên kết quả khảo sát, chẳng hạn như Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo sẽ có 2 triệu việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng; khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết 50% các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ có thể tồn tại được tối đa 6 tháng nếu tình hình khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây nên không được cải thiện. Nhưng hãy đợi đến khi kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê được công bố để có một bức tranh chính xác về hoạt động của doanh nghiệp và tình trạng mất việc làm.
Tuy nhiên, có một điều rất rõ ràng: Hầu hết mọi quốc gia đang phải trải qua một thời kỳ thực sự khó khăn do cả thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II. Với các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội đang được áp dụng theo những hình thức khác nhau, khủng hoảng y tế toàn cầu đang nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trên toàn thế giới.
Theo những ước tính mới của ILO, các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn diện đã ảnh hưởng tới 2,7 tỷ người lao động, tức 81% lực lượng lao động toàn cầu. Bản báo cáo nhanh mới được ILO công bố tuần trước cho thấy số giờ làm việc trên thế giới sẽ giảm 6,7% trong quý 2 năm nay, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.
Khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực hiện đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, đi kèm với những nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm như: Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống; sản xuất; thương mại bán buôn và bán lẻ; bất động sản và các hoạt động kinh doanh; vận tải; giải trí. Ở Việt Nam, những lĩnh vực này hiện đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, tức 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam.
Chúng ta không nói rằng tất cả những lao động này sẽ bị mất việc, chúng ta chỉ đang nói rằng họ đang làm việc trong những lĩnh vực có rủi ro cao, đang phải đối diện với những thách thức vô cùng lớn để duy trì sự sống còn của doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động. Điều này cũng đem lại hàm ý chính sách rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam. Đây là những lĩnh vực thâm dụng lao động và thường tuyển dụng người lao động được trả lương thấp và trình độ kỹ năng thấp. Đây cũng là những lĩnh vực mà phụ nữ chiếm phần đông.
Điều đó có nghĩa rằng khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây nên ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người lao động dễ bị tổn thương và lao động nữ. Bốn lĩnh vực được xác định có nguy cơ bị tác động nặng nề nhất theo Báo cáo nhanh của ILO hiện sử dụng 44,1% số lao động nữ của Việt Nam (trong khi đó chỉ có 30,4% lao động nam đang làm trong các ngành này). Vì vậy, khi Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ cần phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề này. Điểm đáng quan ngại là diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng này có thể sẽ làm suy yếu thêm vị thế của phụ nữ trên thị trường lao động.
- Vậy theo ông, đối với những lao động mất việc do khủng hoảng do COVID-19 gây nên chúng ta cần phải làm gì?
Tiến sỹ Chang-Hee Lee: Chúng ta vẫn chưa biết được chính xác mức độ khủng hoảng việc làm do chưa có kết quả điều tra lao động việc làm mới nhất tại thời điểm này. Nhưng đã có những dấu hiệu không tốt như tôi đã đề cập...
Chắc chắn là chúng ta đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng việc làm lớn mà tất cả mọi thành phần, không chỉ có Chính phủ mà cả doanh nghiệp, công đoàn và người lao động, phải phối hợp với nhau để giảm thiểu những tác động do khủng hoảng gây nên.
Các doanh nghiệp khác nhau thì lại có những cái khó khác nhau. Có những doanh nghiệp không thể tồn tại được do năng suất và khả năng cạnh tranh thấp dù có xảy ra khủng hoảng do COVID-19 hay không. Nhưng cũng có những doanh nghiệp khỏe mạnh trong điều kiện bình thường và có thể tồn tại lâu nếu họ nhận được sự hỗ trợ khi khủng hoảng do COVID-19 tăng đỉnh điểm nhằm nút lại lỗ hổng về tiền mặt, nguyên liệu thô và sự sụt giảm đột ngột trong nhu cầu và đơn hàng.
Điều đó có nghĩa là hỗ trợ của Chính phủ cần nhắm tới các doanh nghiệp có triển vọng tích cực do họ hoạt động năng suất và đổi mới sáng tạo nhưng phải đối mặt với khủng hoảng tạm thời.
[ILO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giảm tác động của COVID-19 tới việc làm]
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Chính phủ nên hướng sự hỗ trợ và các gói trợ giúp tới các doanh nghiệp nỗ lực nhất trong việc giữ người lao động và giảm thiểu mức độ sa thải bằng các biện pháp điều chỉnh thời giờ làm việc, chia sẻ công việc, đào tạo tại chỗ, giảm lương có sự tham khảo ý kiến của công đoàn và người lao động. Làm như vậy sẽ khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực hết mình trong việc giữ người lao động và giảm thiểu mức độ sa thải, từ đó làm chậm quá trình sa thải, giảm thiểu cú sốc đối với xã hội mà khủng hoảng gây nên trong khi vẫn duy trì được năng suất của người lao động cho công cuộc phục hồi nhanh hơn hậu COVID-19.
Về khía cạnh này, tôi tin rằng điều quan trọng là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cần phối hợp với nhau cùng ban hành hướng dẫn cho người sử dụng lao động và công đoàn trong việc quản lý khủng hoảng việc làm. ILO sẵn sàng hỗ trợ những sáng kiến như vậy.
Chống lại những "cú sốc" bên ngoài thế nào?
- Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thương mại toàn cầu, phải chăng nền kinh tế và thị trường lao động của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác, thưa ông?
Tiến sỹ Chang-Hee Lee: Đến nay, chúng ta chưa có số liệu cập nhật và chính xác về thương mại của Việt Nam.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, khối lượng thương mại toàn cầu năm 2020 dự kiến sẽ giảm từ 13-32%. Số liệu báo cáo về thương mại quý 1 của Việt Nam không quá tệ, xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 2% và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD.
Nhưng đến cuối tháng 4 này chúng ta sẽ thấy rõ hơn tác động toàn diện của đại dịch COVID-19 đối với thương mại và đầu tư. Đã có những dấu hiệu cho thấy tình hình trong quý 2 sẽ tệ hơn nhiều, chẳng hạn như không còn khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, nhu cầu hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu giảm mạnh do hầu hết các nước đối tác thương mại đều đang áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Việt Nam phụ thuộc lớn vào thương mại toàn cầu, vì vậy chúng ta có thể nói rằng cả doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam sẽ cảm nhận được rõ ràng và sâu sắc hơn nhiều những tác động của một nền thương mại toàn cầu đang bị thu hẹp lại.
Điều đó không có nghĩa là chiến lược hội nhập toàn cầu của Việt Nam đã không đúng. Ngược lại, chiến lược này đã được chứng minh là động lực tăng trưởng kinh tế chính cho câu chuyện phát triển thành công của Việt Nam. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ mang đến cơ hội lớn, đặc biệt là cho công cuộc phục hồi nhanh hơn sau đại dịch COVID-19.
Nhưng khi thiết kế các chiến lược phát triển hậu COVID-19, Chính phủ có thể phải tính đến cách làm thế nào để các chuỗi cung ứng toàn cầu có khả năng chống chịu tốt hơn và làm thế nào để mở rộng các thị trường tiêu dùng trong nước, hỗ trợ các ngành công nghiệp dịch vụ trong nước, tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam theo hướng linh hoạt và có sức chống chịu cao hơn.
- Đối với các lĩnh vực dịch vụ trong nước, các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh gia đình và nông hộ không trực tiếp liên kết với các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Tiến sỹ Chang-Hee Lee: Khi nhu cầu toàn cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, họ sẽ không chỉ có vai trò cực kỳ quan trọng trong thời kỳ gia tăng khủng khoảng kinh tế do COVID-19 mà còn đóng vai trò quan trọng trong mô hình tăng trưởng dài hạn hậu COVID-19.
Cùng với các khu vực quốc doanh, các doanh nghiệp siêu nhỏ, cơ sở kinh doanh gia đình và nông hộ chính là loại hình đã hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Họ có thể cung cấp chỗ dừng chân tạm thời cho những người lao động bị mất việc, phải trở về quê nhà, với làng quê. Họ là nguồn lực truyền thống giúp xã hội có khả năng chống chịu, và không may thay, họ sẽ lại phải một lần nữa thể hiện vai trò truyền thống này trong thời kỳ đỉnh điểm của khủng hoảng do COVID-19 gây nên.
Vấn đề ở đây là phạm vi và tốc độ khủng hoảng việc làm do đại dịch COVID-19 gây nên có thể lớn hơn rất nhiều so với khả năng gánh vác của hộ kinh doanh gia đình và nông hộ. Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ có tính mục tiêu thông qua các dạng thức khác nhau để người dân có thể vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của khủng hoảng cho tới khi tình hình dần trở lại bình thường.
Tôi nghĩ rằng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc này thông qua mạng lưới các hợp tác xã ở thành thị và khu vực nông thôn.
Về lâu dài, vấn đề quan trọng mang tính chiến lược là cần chính thức hóa các doanh nghiệp phi chính thức để mở rộng cơ sở tiêu dùng trong nước và hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ trong nước. Một đất nước với gần 100 triệu dân cần xây dựng các thị trường nội địa thực chất do các doanh nghiệp trong nước dẫn dắt, đây là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để giúp nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài...
- Xin cảm ơn ông!