Kinh tế tụt dốc, lĩnh vực khai thác than và một số nghành dịch vụ trì trệ là hậu quả do dịch Ebola gây ra tại các quốc gia Tây Phi, khu vực vốn triền miên chìm trong nghèo đói và chậm phát triển.
Phát biểu với báo giới ngày 11/9, người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Bill Murray cảnh báo nền kinh tế của Guinea, Sierra Leone, Liberia - những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Ebola - có thể sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, IMF dự báo mức tăng trưởng trong năm 2014 của Sierra Leone giảm mạnh, từ 11,3% xuống còn 8%.
Dịch bệnh Ebola cũng kìm hãm nền kinh tế kiệt quệ của Liberia khiến tỷ lệ tăng trưởng giảm hơn một nửa, từ mức gần 6% xuống còn 2,5%.
Trong khi đó, kinh tế của Guinea cũng được dự báo không khả quan trong năm nay khi mức tăng trưởng sẽ chỉ đạt 2,4% so với con số dự báo là 3,5%.
Theo IMF, dịch Ebola còn tác động mạnh đến hoạt động khai thác than, lĩnh vực chủ chốt của các quốc gia Tây Phi , đặc biệt là Sierra Leone và Liberia.
Thực trạng này sẽ khiến lạm phát và thâm hụt tài chính tăng cao, đồng thời ảnh hưởng đến khoản viện trợ của IMF đối với các quốc gia này.
Ông Murray cho biết thâm hụt của mỗi nước trên đã tăng lên 130 triệu USD và để khắc phục khó khăn này, IMF sẽ cân nhắc các khoản viện trợ bổ sung.
Dịch Ebola còn khiến giới doanh nghiệp nước ngoài cắt giảm sản xuất do lo ngại sự lây lan nhanh chóng của dịch nguy hiểm này. Trong khi đó, một số doanh nghiệp công và tư nhân trong nước cũng thu hẹp sản xuất nhằm tránh sự lây nhiễm dịch Ebola.
Sự cắt giảm quy mô này đã ảnh hưởng đến năng suất của một số ngành nghề. Trước tình hình này, ông Murray nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa, ở quy mô lớn, nhằm kiểm soát dịch nguy hiểm này.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tử vong trong đợt bùng phát dịch Ebola hiện nay đã lên tới gần 2.300 người, chủ yếu tại các nước Liberia, Guinea và Sierra Leone.
Tính đến hiện tại, tổng số trường hợp được xác nhận nhiễm chủng virus chết người này đã là 4.293 người./.