IMF cảnh báo tình trạng thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia

IMF cảnh báo thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia đang phình to và tình trạng này có thể "ăn mòn" nguồn dự trữ ngoại tệ nếu quốc gia này không tiến hành cải cách.
IMF cảnh báo tình trạng thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia ảnh 1Giá dầu giảm khiến ngân sách của Saudi Arabia ngày càng thâm hụt. (Nguồn: huffingtonpost.com)

Ngày 9/9, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia đang ngày một "phình" to và tình trạng này có thể "ăn mòn" nguồn dự trữ ngoại tệ nếu quốc gia Hồi giáo này không thực hiện các biện pháp cải cách mạnh tay.

Báo cáo của IMF, được công bố sau cuộc hội đàm giữa thể chế tài chính quốc tế này với các quan chức Saudi Arabia, cho biết giá dầu thế giới liên tiếp sụt giảm đang khiến ngân sách của Saudi Arabia ngày càng thâm hụt và có thể duy trì ở mức cao trong trung hạn.

Theo IMF, vương quốc này cần thực hiện một chương trình cải cách tài chính kéo dài nhiều năm với giá trị lớn nhằm cân bằng ngân sách.

Các biện pháp cải cách có thể bao gồm việc thay đổi chính sách năng lượng hiệu quả và điều chỉnh giá nhiên liệu.

Báo cáo của IMF dự báo thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia trong năm 2015 sẽ ở mức 19,5% GDP, tương đương 130 tỷ USD.

IMF cho rằng con số này sẽ giảm dần vào năm 2016, song vẫn ở mức cao trong trung hạn, ước vào khoảng 9,5% GDP (80 tỷ USD) trong năm 2020.

Ngoài ra, thể chế tài chính này cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia trong năm nay và năm 2016 lần lượt xuống 2,8% và 2,4%.

Giữa bối cảnh mức tiền trợ giá của Chính phủ Saudi Arabia cho mặt hàng năng lượng trong năm 2014 chiếm khoảng 8% GDP , tương đương 60 tỷ USD, nước này cũng vừa thông báo với IMF về việc xem xét điều chỉnh giá năng lượng đối với các khách hàng.

Chi tiêu công của Saudi Arabia tăng nhanh trong vài năm gần đây nhờ lợi nhuận cao từ dầu mỏ cũng góp phần đẩy "giá hòa vốn" của dầu mỏ tăng từ mức 69 USD/thùng năm 2010 lên 106 USD/thùng vào thời điểm hiện tại.

Do vậy, IMF kêu gọi Chính phủ Saudi Arabia giảm trợ giá cho ngành năng lượng, đồng thời hạ mức lương tối thiểu của khu vực công nhằm đối phó với tình trạng giá dầu liên tục giảm sút thời gian qua.

Trong tháng Tám, giá dầu đã chạm mức thấp nhất trong hơn sáu năm, còn khoảng 42 USD/thùng, trong khi chi tiêu công của Saudi Arabia lại tiếp tục tăng sau khi Quốc vương nước này đề xuất tăng lương cho người lao động vào tháng Một năm nay.

Năm 2014, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia đứng ở mức 17,5 tỷ USD, mức cao thứ hai kể từ năm 2002.

Hồi tuần trước, công ty đầu tư Jadwa của Saudi Arabia cho biết rằng tính tới cuối tháng Bảy, chính phủ nước này đã rút bớt 82 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại tệ. Kho dự trữ ngoại tệ của Saudi Arabia có khả năng giảm xuống 629 tỷ USD vào cuối năm nay.

Sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia đạt mức kỷ lục 10,6 triệu thùng/ngày vào tháng Sáu năm nay, song đã giảm xuống còn 10,4 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.