IMF điều chỉnh hạ dự báo triển vọng kinh tế châu Á do COVID-19

Trong bối cảnh những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 ngày càng tăng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á xuống mức âm 1,6% trong năm 2020.
IMF điều chỉnh hạ dự báo triển vọng kinh tế châu Á do COVID-19 ảnh 1Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất xe tải hạng nặng của Tập đoàn sản xuất ôtô Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 23/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 30/6 đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á xuống mức âm 1,6% trong năm 2020 trong bối cảnh những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 ngày càng tăng.

Điều chỉnh mới nhất trên của IMF cho thấy những thách thức lớn hơn do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tiếp tục gia tăng trên phạm vi toàn cầu.

Trước đó, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng Tư, IMF dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 0% trong năm nay.

Ông Chang Yong Rhee, Giám đốc phụ trách Ủy ban châu Á-Thái Bình Dương của IMF, nêu rõ: "Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 đã được điều chỉnh giảm đối với hầu hết quốc gia ở khu vực châu Á do tình hình kinh tế, thương mại … của thế giới kém thuận lợi và một số nền kinh tế mới nổi tăng cường áp dụng các biện pháp ứng phó dịch COVID-19."

Ông Rhee lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế châu Á trong quý I/2020 tốt hơn so với dự báo trước đó, một phần nhờ một số quốc gia kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Theo ông, trong trường hợp dịch COVID-19 không bùng phát đợt hai và các nước triển khai chính sách hỗ trợ kinh tế ở quy mô chưa từng có, tăng trưởng kinh tế châu Á dự kiến sẽ hồi phục trở lại ở mức 6,6% vào năm 2021. Tuy nhiên cho dù hoạt động kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, thì những thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19 có thể vẫn còn kéo dài.

[IMF: Kinh tế châu Á có thể tăng trưởng 0% lần đầu tiên trong 60 năm]

Quan chức của IMF cho biết nhu cầu tư nhân dự báo sẽ tăng mạnh từ năm 2021 trở đi mặc dù vẫn còn những nguy cơ đe dọa tới sự phục hồi của khu vực châu Á như hoạt động thương mại tăng trưởng chậm, kéo dài lâu hơn các biện pháp phong tỏa, bất bình đẳng gia tăng, căng thẳng địa chính trị...

Lưu ý rằng không phải toàn bộ những diễn tiến gần đây đều tiêu cực, ông Rhee cho biết nhiều nước châu Á có thể hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài chính quan trọng, thường là dưới hình thức bảo lãnh và cho vay đối các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giá dầu giảm hơn, lòng tin thị trưởng được cải thiện và tình hình tài chính đang hỗ trợ cho sự phục hồi này, song ông nói thêm rằng những yếu tố này sẽ không kéo dài lâu.

Ông cũng nêu lên những ưu tiên để khôi phục kinh tế, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài chính, đảm bảo việc phân bổ phù hợp các nguồn lực cũng như giải quyết vấn đề bất bình đẳng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.