IMF giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia năm 2020

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Indonesia xuống 0,5% từ mức 5,1% trong dự báo hồi tháng 10/2019 do dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng gián đoạn kinh tế trầm trọng ở trong nước.
IMF giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia năm 2020 ảnh 1Công nhân may đồ bảo hộ y tế cá nhân và khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Indonesia sẽ duy trì mức tăng trưởng dương trong năm nay dù chỉ ở mức rất thấp, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa được cập nhật, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Indonesia xuống 0,5% từ mức 5,1% trong dự báo hồi tháng 10/2019.

Báo cáo cho hay việc cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng năm 2020 phản ánh tình trạng gián đoạn kinh tế trầm trọng ở trong nước do dịch COVID-19. IMF cũng cho rằng đại dịch sẽ “tấn công” nền kinh tế Indonesia do nước này quá phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô thay vì hàng thành phẩm.

Các nền kinh tế đang phát triển đều đang đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế, cú sốc giảm cầu trầm trọng trên thị trường quốc tế, các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt và giá cả hàng hóa sụt giảm. Những điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế tại các quốc gia dựa vào xuất khẩu.

Tuy nhiên, IMF dự báo rằng kinh tế Indonesia sẽ phục hồi vào năm 2021 với mức tăng lên tới 8,2%, cao nhất kể từ năm 1995 dưới thời cựu Tổng thống Soeharto.

[IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Philippines xuống 0,6% trong năm]

IMF cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Indonesia sẽ tăng lên mức 7,5% trong năm nay, so với mức 5,3% trong năm ngoái, do đại dịch làm đảo lộn các chuỗi cung ứng, buộc các công ty sa thải lao động và khiến nhu cầu hàng hóa sụt giảm mạnh khi người tiêu dùng buộc phải ở nhà.

Cũng theo IMF, kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay, tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, khi đại dịch COVID-19 đẩy kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930.

Trong khi đó, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Nga và ASEAN-5 sẽ giảm trung bình 1% trong năm nay. Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bùng phát COVID-19 và là trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ tăng trưởng 1,2%.

Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ từ cuộc suy thoái trong năm nay, đạt mức tăng trưởng 5,8% vào năm 2021. Các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 6,1%, trong đó các quốc gia như Mỹ và Italy đạt mức cao nhất, lần lượt là 5,9% và 9,1%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.