IMF khuyến cáo các nước vùng Vịnh cần thích ứng với giá dầu thấp

Theo IMF, không chỉ trong năm nay mà cả những năm sắp tới, các quốc gia vùng Vịnh sẽ cần thay đổi để cân bằng tốt hơn hoạt động chi tiêu trong thực trạng giá dầu mới.
IMF khuyến cáo các nước vùng Vịnh cần thích ứng với giá dầu thấp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Alamy)

Các nền kinh tế vùng Vịnh cần thích nghi với "thực trạng mới" rằng giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở mức thấp trong thời gian tới. Cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đi kèm với lời khuyên cắt giảm chi tiêu và đa dạng hóa thu nhập.

Phát biểu ngày 21/10 tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE), ông Masood Ahmed, Giám đốc IMF tại khu vực Trung Đông và Trung Á, khẳng định không chỉ trong năm nay mà cả những năm sắp tới, các quốc gia này sẽ cần thay đổi để cân bằng tốt hơn hoạt động chi tiêu trong thực trạng giá dầu mới.

Trả lời phỏng vấn, ông Ahmed cho biết các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE đều đang đối mặt với thâm hụt ngân sách trung bình ở mức tương đương 13% Tổng thu nhập quốc nội (GDP) trong năm nay. Nếu tiếp tục đối mặt với tình trạng nguồn cung dồi dào và lượng cầu yếu như hiện nay, thâm hụt ngân sách của các nước GCC sẽ vượt mức 1.000 tỷ USD trong 5 năm tới.

IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế tại các nước GCC sẽ chậm lại vào khoảng 3,25% trong năm nay và tiếp tục giảm xuống 2,75% vào năm sau so với con số 3,5% của năm ngoái.

Theo ông Ahmed, IMF kỳ vọng năm 2020, giá dầu tiếp tục giữ ở mức thấp vào khoảng 60 USD/thùng. Điều này đồng nghĩa với việc các nước vùng Vịnh sẽ cần tiến hành một loạt các biện pháp thích ứng quy mô lớn và mang tính bền vững về mặt tài khóa. Các biện pháp này nên bao gồm cắt giảm chi tiêu công và đa dạng hóa thu nhập, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.

Tuy nhiên, dự báo của IMF công bố ngày 21/10 cũng nhận định rằng các quốc gia dầu mỏ giàu có đủ nguồn lực để thực hiện các thay đổi cần thiết này nhờ vào nguồn dự trữ tài chính lớn xây dựng trong nhiều năm qua khi giá dầu ổn định. Các nước nên tận dụng nguồn lực này để thực hiện các thay đổi theo từng bước và giúp quá trình thích ứng diễn ra suôn sẻ hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.