IMF: Kinh tế Mỹ Latinh tăng trưởng chậm do nhu cầu giảm

Nhu cầu quốc tế về hàng hóa Mỹ Latinh và Caribe giảm xuống mức thấp và nhu cầu nội địa hầu như "dậm chân tại chỗ."
IMF: Kinh tế Mỹ Latinh tăng trưởng chậm do nhu cầu giảm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: coastcaribbeanimages)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng năm 2014 của nền kinh tế Mỹ Latinh và vùng Caribe xuống còn 1,3%, thấp hơn 1,2% so với dự báo tổ chức này đưa ra hồi tháng 4/2014 do đánh giá nhu cầu quốc tế về hàng hóa Mỹ Latinh và Caribbean giảm xuống mức thấp và nhu cầu nội địa hầu như "dậm chân tại chỗ."

Dự báo của IMF công bố ngày 7/10 tại Washington, Mỹ, cho biết đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 5 năm qua của nền kinh tế Mỹ Latinh và vùng Caribbean, con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức dự báo 3,3% tăng trưởng trung bình toàn cầu năm nay.

Trong bối cảnh không thuận lợi này, IMF kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực kiên trì giữ vững kinh tế vĩ mô và tiến hành khẩn trương công cuộc cải cách cơ cấu nhằm tăng vốn đầu tư và nâng cao năng suất lao động.

Dự báo mới của IMF nhấn mạnh Panama sẽ là quốc gia dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với 6,6% trong năm 2014 và giảm xuống 6,4% trong năm 2015; tiếp theo là Cộng hòa Dominica (5,3% và 4,2%); Bolivia (5,2% và 5%); Colombia (4,8% và 4,5%); Paraguay (4% và 4,5%) và Ecuador (4% trong 2014 và 2015). Trong khi Venezuela và Argentina lần lượt đứng cuối bảng với tốc độ tăng trưởng tương ứng là -3% và -1%; -1,7% và -1,5%.

Nhìn chung Nam Mỹ sẽ là tiểu khu vực có tốc độ tăng trưởng thấp hơn cả, trong khi Bắc Mỹ lại có nhiều dấu hiệu tích cực, đứng đầu là Mexico, quốc gia được hưởng lợi từ sự phục hồi và phát triển nhanh của nền kinh tế số 1 thế giới.

Chuyên viên kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Augusto de la Torre cho rằng trong bối cảnh trên, các nước Mỹ Latinh và vùng Caribbean sẽ gặp rất nhiều khó khăn để giữ vững những thành quả đạt được trong suốt thập kỷ qua trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, sau khi dân số trong diện nghèo đã giảm xuống còn 12% trong năm 2012./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.