IMF quyết "không chi một xu” để tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp

IMF khẳng định sẽ không “chi một xu” cho đến khi tổ chức này nhìn thấy bản kế hoạch cụ thể từ châu Âu nhằm tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp.
IMF quyết "không chi một xu” để tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AFP)

Bất chấp thỏa thuận giải ngân quan trọng giữa Nhóm các Bộ trưởng tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) và Hy Lạp hôm 25/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn từ chối tham gia chương trình cứu trợ thứ ba dành cho nước này.

IMF khẳng định sẽ không “chi một xu” cho đến khi tổ chức này nhìn thấy bản kế hoạch cụ thể từ châu Âu nhằm tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp.

Theo IMF, thỏa thuận hôm 25/5 đã không đưa ra được kế hoạch này. Các chuyên gia nhận định IMF đang tập trung bảo vệ danh tiếng của tổ chức này, sau khi thất bại trong việc tham gia hai gói cứu trợ đầu tiên dành cho Hy Lạp.

Câu hỏi được đặt ra là khi kinh tế Hy Lạp tiếp tục “loạng choạng” với “núi nợ” chồng cao, IMF có đành lòng quay lưng lại với Xứ sở Các vị thần? Đại diện của Hy Lạp tại IMF cho đến tháng 7/2015, Thanos Catsambas, đã trả lời rằng "đương nhiên là có."

Theo ông Catsambas, IMF đang muốn ủng hộ quan điểm của Đức và các quốc gia châu Âu khác rằng IMF cần đảm bảo ​Hy Lạp thực thi các cải cách đã cam kết.

Bối cảnh hiện nay đã có sự thay đổi so với năm 2010 và 2012, thời điểm IMF cấp cho Hy Lạp khoản vay lớn nhất mà nước này từng cấp cho một quốc gia gặp “rắc rối” về tài chính, trước những lo ngại khủng hoảng nợ tại Hy Lạp sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ Khu vực đồng euro (Eurozone). Tuy nhiên, IMF đã tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của các gói cứu trợ.

Hiện nay, IMF tỏ ra cẩn trọng hơn, sau khi Hy Lạp không thể thanh toán khoản nợ khoảng 2 tỷ USD hồi năm ngoái và chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nền kinh tế phát triển như Hy Lạp bị IMF kết luận vỡ nợ. Mặc dù Hy Lạp đã thanh toán được khoản nợ trên, song nước này vẫn nợ IMF 16,2 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.