IMF: RCEP là dấu hiệu cam kết mạnh mẽ của khu vực với tự do thương mại

Theo quan chức IMF, môi trường toàn cầu đang thay đổi và việc châu Á có thể ký kết RCEP trong môi trường đầy thách thức như vậy đã gửi đi một thông điệp hết sức mạnh mẽ.
IMF: RCEP là dấu hiệu cam kết mạnh mẽ của khu vực với tự do thương mại ảnh 1Tàu chở hàng ở ngoài khơi Singapore. (Ảnh: Reuters)

Ngày 13/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gửi đi một thông điệp rất mạnh mẽ về cam kết của khu vực đối với tự do thương mại, đồng thời nhấn mạnh đây là "một bước đi rất đáng hoan nghênh."

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến cùng ngày, quyền Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, ông Jonathan D. Ostry khẳng định: "Môi trường toàn cầu đang thay đổi và việc châu Á có thể ký kết RCEP trong môi trường đầy thách thức như vậy đã gửi đi một thông điệp hết sức mạnh mẽ."

Ông Ostry nhấn mạnh thương mại là một động lực lớn cho tăng trưởng và giảm nghèo tại châu Á trong hàng thập kỷ nay, đồng thời khẳng định bất chấp những căng thẳng thương mại toàn cầu vừa qua, châu Á vẫn nỗ lực để thúc đẩy tự do hóa thương mại khu vực.

Ông Ostry nhận định hiệp định RCEP - hội tụ 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, là lần đầu tiên tập hợp được nhiều quốc gia trong một hiệp định chung của khu vực, trong đó bao gồm cả bacường quốc khu vực. Theo ông, hiệp định này có thể tạo ra những động lực mới cho thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương.

[RCEP sẽ thúc đẩy sự phục hồi ngành dịch vụ tại các nước thành viên]

Theo nhận định mới của IMF, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 7,6% trong năm 2021 và 5,4% trong năm 2022 nhờ đà phục hồi của các quốc gia.

Bên cạnh việc giảm các hạn chế thương mại cũng như giảm căng thẳng thương mại và công nghệ, quan chức IMF cũng gợi ý rằng vấn đề nợ doanh nghiệp, nhất là của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần được giải quyết bằng cách chuyển từ hỗ trợ thanh toán bằng tiền mặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 sang hỗ trợ khả năng thanh toán.

Ông cũng lưu ý các nước trong khu vực cần tiếp tục nỗ lực để thực hiện chương trình nghị sự "xanh" và thúc đẩy cam kết chuyển đổi hướng đến sự kết hợp năng lượng "xanh hơn" đang nổi lên trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng đầu tư cho các công nghệ xanh trong việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.