Indonesia: ASEAN là khu vực hấp dẫn nhất đối với đầu tư nước ngoài

Theo Tổng thống Indonesia, năm ngoái có tới 17% vốn đầu tư của thế giới đã đổ vào ASEAN, và tăng trưởng kinh tế của ASEAN trong năm tới dự kiến sẽ cao nhất thế giới - đạt mức 4,5%.
Indonesia: ASEAN là khu vực hấp dẫn nhất đối với đầu tư nước ngoài ảnh 1Ápphích cổ động Năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 ở Thủ đô Jakarta. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)

Ngày 1/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) khẳng định ASEAN là khu vực hấp dẫn nhất đối với đầu tư nước ngoài.

Riêng năm 2022, có tới 17% vốn đầu tư của thế giới đã đổ vào ASEAN.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ABIS) 2023 tại Phủ Tổng thống ở Jakarta, ông Jokowi cho biết tăng trưởng kinh tế của ASEAN năm 2024 dự kiến sẽ cao nhất thế giới với 4,5%.

Ông Jokowi nhấn mạnh ASEAN đã chứng tỏ mình là một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng, đồng thời cho biết thêm rằng 65% dân số khu vực có tiềm năng gia nhập tầng lớp trung lưu vào năm 2030.

[ASEAN thảo luận về việc đưa khu vực trở thành trung tâm tăng trưởng]

Người đứng đầu Chính phủ Indonesia cũng đánh giá rằng các yếu tố trên là động lực lớn để đưa ASEAN trở thành “tâm điểm tăng trưởng” với “chiến lược phi thường” trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn chưa được cải thiện.

Ông Jokowi cho rằng những nỗ lực này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ tất cả các nước, doanh nhân và xã hội, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc xây dựng và thực hiện các chiến lược hợp tác giữa các bên liên quan.

Nhà lãnh đạo này cũng hy vọng rằng khái niệm “ASEAN hợp nhất” do ABAC trình bày tại Hội nghị có thể trở thành cầu nối giao tiếp, tạo ra một hệ sinh thái cùng có lợi, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN và thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực.

ABIS do Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) đăng cai tổ chức trên cương vị Chủ tịch ABAC năm 2023. Đây là một trong hai sự kiện bên lề quan trọng của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43.

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 sẽ nêu bật tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác kinh tế, thông qua việc tổ chức 2 sự kiện bên lề là Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ABIS) và Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AIPF).

Ngày 1/9, phát biểu khi tháp tùng Tổng thống Joko Widodo kiểm tra công tác chuẩn bị Hội nghị Cấp cao ASEAN 43, Ngoại trưởng Retno cho biết nước Chủ tịch ASEAN năm 2023“thực sự muốn Đông Nam Á tiếp tục là trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới.”

ABIS do Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) năm 2023 - tổ chức từ ngày 1-6/9. AIPF lần đầu được tổ chức nhằm triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), trong đó tập trung vào hợp tác giữa các nước nhằm tạo dựng một khu vực hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng.

Bà Retno cho biết: “ASEAN đã có khái niệm AOIP từ năm 2019 và giờ muốn biến Tầm nhìn này thành hợp tác cụ thể.” Thông qua AIPF được tổ chức vào ngày 5-6/9, Indonesia mong muốn thúc đẩy hợp tác phát triển các dự án cụ thể, đặc biệt là trong 3 lĩnh vực cơ sở hạ tầng xanh và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng; chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo; tài chính bền vững và sáng tạo.

Theo thống kê tổng hợp cùng các nước thành viên ASEAN khác, Indonesia ghi nhận nhiều dự án ưu tiên với tổng trị giá khoảng 120 tỷ USD có thể được thúc đẩy thông qua AIPF. Bên cạnh các dự án tiềm năng, Indonesia cũng xác định 93 dự án với tổng trị giá 38 tỷ USD được đánh giá là chín muồi.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia cho biết thêm rằng, ngoài thúc đẩy hợp tác kinh tế, Chủ tịch ASEAN năm 2023 cũng sẽ đặt nền tảng vững chắc cho các bước đi trong tương lai của ASEAN, bao gồm cách thức giúp tổ chức khu vực này có thể ứng phó với các thách thức khác nhau.

Bà Retno nhấn mạnh: “Nền tảng đó được Indonesia thiết kế để đáp ứng lợi ích của người dân ASEAN,” đồng thời nhắc lại một số văn kiện hợp tác đạt được tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 hồi tháng 5 tại Labuan Bajo, như bảo vệ lao động nhập cư, bảo vệ các thuyền viên, xây dựng mạng lưới làng ASEAN, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm lừa đảo trực tuyến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.