Indonesia cân nhắc chi thêm 13 tỷ USD để giữ giá nhiên liệu

Ngày 23/8, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết, khoản kinh phí nói trên sẽ khiến ngân sách trợ cấp và bù lỗ năng lượng năm 2022 tăng thêm 40% lên mức 700.000 tỷ rupiah.
Indonesia cân nhắc chi thêm 13 tỷ USD để giữ giá nhiên liệu ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Sri Mulyani Indrawati.(Nguồn: Reuters.)

Indonesia có thể dành thêm khoản trợ cấp năng lượng trị giá 200.000 tỷ rupiah (13,43 tỷ USD) nếu không tăng giá nhiên liệu được nhà nước trợ cấp, trong bối cảnh tiêu thụ dự kiến vượt hạn ngạch của cả năm nay.

Phát biểu với báo giới ngày 23/8, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết, khoản kinh phí nói trên sẽ khiến ngân sách trợ cấp và bù lỗ năng lượng năm 2022 tăng thêm 40% lên mức 700.000 tỷ rupiah.

Trong khi theo đuổi chính sách thắt chặt tài khóa, động thái này sẽ buộc Chính phủ Indonesia phải tiếp tục giải ngân một phần trong nguồn thu quốc gia từ xuất khẩu hàng hóa để duy trì giá nhiên liệu ở mức thấp.

Bộ trưởng Indrawati cho hay khoản ngân sách bổ sung sẽ chỉ dành để chi trả cho xăng nhãn hiệu Pertalite (RON-90) và dầu diesel nhãn hiệu Solar của công ty năng lượng nhà nước Pertamina, bởi nếu chi cả cho điện và khí hóa lỏng, số tiền mà chính phủ phải bỏ ra sẽ cao hơn nhiều.

Theo ước tính mới nhất, tổng khối lượng xăng Pertalite tiêu thụ trong năm nay sẽ lên tới 29 triệu kl, cao hơn mức 23 triệu kl dự kiến trước đó. Bà Indrawati nhấn mạnh: “Đây là điều sẽ xảy ra nếu chúng ta không làm gì cả. Nếu không có hạn chế tiêu thụ, khoản trợ cấp 502.000 tỷ rupiah hiện nay - tăng gấp ba lần so với kế hoạch ban đầu dành cho trợ cấp và bù lỗ năng lượng trong cả năm nay - sẽ không đủ.”

Cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng việc tăng trợ cấp không phải là cách duy nhất để giải quyết vấn đề, thay vào đó còn hai lựa chọn khác là hạn chế bán nhiên liệu hoặc tăng giá nhiên liệu được trợ cấp. Theo bà Indrawati, cả ba lựa chọn đều không tốt, song ngân sách nhà nước có hạn.

[Tác động của xung đột Nga-Ukraine đến thị trường tài chính toàn cầu]

Bà Indrawati cảnh báo rằng ngay cả khi chính phủ tăng trợ cấp và bù lỗ năng lượng thêm 200.000 tỷ rupiah, không có gì đảm bảo rằng khoản tiền này sẽ đủ, bất chấp kế hoạch hạn chế bán xăng Pertalite cho một số khách hàng nhất định.

Hơn nữa, có nguy cơ dự luật tăng trợ cấp năng lượng sẽ trở thành gánh nặng cho ngân sách năm tới và chính phủ sẽ không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu trợ cấp với mức phân bổ của năm nay.

Bà Indrawati lưu ý rằng trong năm 2023, chính phủ sẽ cần cấp tiền cho cuộc tổng tuyển cử ngày 14/2/2024 và dự án xây dựng thành phố thủ đô mới. Người đứng đầu ngành tài chính Indonesia cho hay: “Nếu chúng ta tăng giá nhiên liệu, tất cả đều có thể bị ảnh hưởng. Mỗi người có sức mua khác nhau, song nhóm thu nhập thấp nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.”

Hồi tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Said Abdullah đã lên tiếng bác bỏ lựa chọn tiếp tục tăng ngân sách trợ cấp năng lượng, khẳng định rằng chính phủ không cần chi thêm để giữ giá nhiên liệu vì hầu hết những người tiêu thụ nhiên liệu được trợ cấp không đủ điều kiện để thụ hưởng. Ông Said cũng cảnh báo rằng ngân sách nhà nước hạn chế và không nên để áp lực quá lớn, đồng thời đề xuất điều chỉnh giá dần dần với hai lần từ nay đến cuối năm.

Trong khi đó, ông Faisal Rachman, nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Mandiri, cảnh báo rằng việc tăng giá nhiên liệu được trợ cấp sẽ làm tăng lạm phát và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, khẳng định rằng động thái này sẽ tác động đến nhiều hàng hóa và dịch vụ bên cạnh nhiên liệu và dịch vụ giao thông.

Ông Faisal ước tính rằng nếu giá xăng Pertalite tăng 30% lên mức 10.000 rupiah/lít và dầu diesel nhãn hiệu Solar tăng 60% lên mức 8.500 rupiah/lít, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ sụt giảm 0,24 điểm phần trăm xuống dưới 5%, đồng thời khiến tỷ lệ lạm phát tăng 1,16 điểm phần trăm lên mức 6%.

Về phần mình, ông Fikri C. Permana, nhà kinh tế cấp cao thuộc công ty chứng khoán Samuel Securities, cho rằng Chính phủ Indonesia nên xem xét tăng ngân sách bảo trợ xã hội thay vì “đốt tiền” cho trợ cấp nhiên liệu, đồng thời đề nghị không ấn định giá xăng dầu mà có thể tăng hoặc giảm theo giá quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.