Indonesia có thể thiệt hại hơn 35 tỷ USD do lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ

Theo Hiệp hội Dầu cọ Indonesia, nguồn thu ngoại hối từ xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ mỗi năm là 35,53 tỷ USD và đây chính là khoản thiệt hại mà nước này gánh chịu với lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ.
Indonesia có thể thiệt hại hơn 35 tỷ USD do lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ ảnh 1Khai thác quả cọ để sản xuất dầu tại Indonesia. (Nguồn: arabnews.com)

Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (Gapki) ước tính rằng nguồn thu ngoại hối trị giá 515.180 tỷ rupiah (35,53 tỷ USD) của nước này có nguy cơ bị mất do lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ thô (CPO) và các sản phẩm phái sinh.

Giám đốc điều hành Gapki, Mukti Sardjono, cho biết, ước tính trên dựa vào nguồn thu ngoại hối trung bình hàng năm của Indonesia từ xuất khẩu CPO, cho thấy quy mô thiệt hại tiềm tàng đối với các doanh nghiệp cũng như nhà nước.

Trao đổi với kênh truyền hình CNN Indonesia ngày 10/5, ông Mukti cho hay: “Chúng tôi không có số liệu ước tính chi tiết thiệt hại, song nguồn thu ngoại hối từ xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ lên tới 35,53 tỷ USD mỗi năm.”

Ông Mukti cũng cho rằng ngành dầu cọ Indonesia có thể chịu thêm tổn thất nếu không xuất khẩu được. Năm 2021, sản lượng dầu cọ của Indonesia đạt 51,3 triệu tấn, trong đó 18,4 triệu tấn tiêu thụ nội địa và 33,7 triệu tấn xuất khẩu.

[Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ làm “nóng” thị trường dầu thực vật]

Trong khi đó, Tổng thư ký Gapki, Eddy Martono cho rằng các doanh nghiệp địa phương cũng sẽ bị thua lỗ, dẫn tới ngừng chế biến nếu sản lượng dầu cọ không được thị trường trong nước tiêu thụ hết.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), xuất khẩu CPO đã đóng góp 112.820 tỷ rupiah cho nền kinh tế Indonesia trong quý 1/2022, chiếm tới 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia.

Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã ra lệnh cấm xuất khẩu CPO và các sản phẩm phái sinh từ ngày 28/4 vừa qua. Lệnh cấm này dự kiến có hiệu lực đến khi giá dầu ăn số lượng lớn trong nước giảm xuống mức 14.000 rupiah/lít./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.