Indonesia mời Việt Nam hợp tác phát triển ngành công nghiệp xe điện

Bộ Công nghiệp Indonesia mời Bộ Công Thương Việt Nam thảo luận giải pháp tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác nhiều lĩnh vực tiềm năng, đặc biệt là ngành sản xuất ôtô điện.

Lô xe điện VF8. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Lô xe điện VF8. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết đã mời Việt Nam hợp tác phát triển ngành công nghiệp xe điện, an ninh lương thực và nguồn nhân lực.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Antara, Bộ trưởng Agus Gumiwang ngày 13/1 khẳng định: “Chúng tôi mời Bộ Công Thương Việt Nam thảo luận các giải pháp nhằm tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác trong nhiều lĩnh vực tiềm năng, đặc biệt là ngành sản xuất ôtô điện."

Indonesia là một thị trường khổng lồ cho ngành công nghiệp ôtô. Theo dữ liệu, quyền sở hữu ôtô ở Indonesia đạt 19,1 triệu chiếc và xe máy là 128 triệu chiếc. Xu thế phát triển xe điện hiện nay đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước, trong bối cảnh nhu cầu pin xe điện dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Ông Agus bày tỏ hy vọng hai nước có thể hỗ trợ, thảo luận sâu sắc hơn trong các hội nghị sắp tới, đặc biệt là cuộc họp Bộ Công nghiệp tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo báo cáo của Safeguard Global, Indonesia nằm trong danh sách 10 nhà sản xuất hàng đầu thế giới với sản lượng sản xuất toàn cầu là 1,4%.

Trong khi đó, theo World Population Review, Indonesia đứng ở vị trí thứ 12, còn Việt Nam ở vị trí thứ 23.

Tính đến tháng 11/2023, đầu tư của Indonesia vào Việt Nam đạt 651,21 triệu USD với 120 dự án, đứng thứ 5 trong số các nước Đông Nam Á đầu tư vào Việt Nam xét về vốn thực hiện. Indonesia vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Năm 2023, vốn thực hiện của Việt Nam tăng thêm 1,5 triệu USD, tương đương tăng 6,1% so với năm 2022, trong đó tập trung vào lĩnh vực công nghiệp giấy và in ấn, công nghiệp kim loại cơ bản, hàng kim loại, máy móc và thiết bị phi kim loại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.